Huy động 1.500 người cùng 200 phương tiện tìm kiếm phi công còn lại trên Su-30MK2 mất tích

ANTĐ -Bộ Quốc phòng huy động khoảng 1.500 người, cùng gần 200 phương tiện, trong đó có 5 máy bay, 102 tàu... rà soát dọc vùng biển nhiều tỉnh để tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải- phi công còn lại cùng chiếc Su-30MK2 mất tích.

1.500 người tìm kiếm phi công Thượng tá Trần Quang Khải

Khoảng 4h30 chiều qua (15-6), phi công- thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) được tàu của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An ở tọa độ 19,14 độ vĩ Bắc; 106 độ kinh Đông, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường được đưa về đất liền an toàn.

Phi công còn lại chưa rõ tung tích là Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923.

Sáng nay, 16-6, chiến dịch tìm kiếm phi công Trần Quang Khải cùng chiếc tiêm kích Su-30 tiếp tục diễn ra khẩn trương. Vùng tìm kiếm mở rộng từ biển Hà Tĩnh tới Thái Bình. Các thiết bị chuyên dụng dò tín hiệu hộp đen máy bay cũng được triển khai.

Lực lượng chức năng họp bàn phương án triển khai tìm kiếm. 

Theo Bộ Quốc phòng, lực lượng tham gia tìm kiếm đã lên tới hơn 1.500 người thuộc các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, Phòng không không quân, Quân khu 4 và ngư dân.

182 phương tiện được huy động, trong đó có 5 máy bay (Mi-171, Mi-172, Mi-17, AN-26, CASA), 102 tàu, 3 xuồng, 9 xe đặc chủng, 16 phương tiện lặn, hàng chục ôtô.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm Trưởng ban tìm kiếm cứu nạn cho hay, cả đêm qua các lực lượng làm việc với quyết tâm cao nhất.

Trước đó, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động đặc công nước định vị tọa độ, Bộ Giao thông tăng cường thiết bị của hàng không dân dụng cùng tham gia dò tín hiệu hộp đen.

Điều thêm 2 tàu cứu nạn chuyên dụng hỗ trợ tìm kiếm

Cũng trong sáng nay 16-6, đại tá Trần Văn Kim, Chỉ huy trưởng Trung tâm điều hành Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, trên vùng biển hiện trường nghi vấn máy bay rơi và xung quanh vị trí cứu được Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, các lực lượng tìm kiếm triển khai nhiệm vụ xuyên đêm với nỗ lực cao nhất, nhưng chưa tìm được phi công đang mất tích là Thượng tá Trần Quang Khải, cũng như vị trí chính xác của máy bay Su - 30MK số hiệu 8585.

Trong ngày hôm nay 16-6, vùng tìm kiếm tiếp tục được mở rộng lên phía Bắc, đây là hướng được nhận định sẽ có phi công trôi dạt để tập trung lực lượng phương tiện rà soát. Ngoài ra, vùng tìm kiếm phi công sẽ mở rộng thêm theo hướng nam và toàn bộ vùng biển xung quanh nơi phi công, Thiếu tá Cường được ngư dân ứng cứu.

Hải đồ vùng tìm kiếm được mở rộng để tìm phi công và máy bay Su - 30MK2 mất tích.

Đại tá Trần Văn Kim cũng cho biết, để tăng cường thêm lực lượng, sáng sớm nay, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều động tăng cường thêm 2 tàu cứu nạn tàu SAR 273 từ Hải Phòng và tàu SAR 412 ở Đà Nẵng cơ động vào hiện trường. 6 giờ sáng nay, cả hai tàu đã xuất phát đến hiện trường, trên đường đi sẽ triển khai hoạt động tăng cường quan sát tìm kiếm cứu nạn. Các tàu SAR 412 và SAR 273 là tàu tàu cứu nạn chuyên dụng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, thuộc Bộ Giao thông vận tải, nhưng nằm trong lực lượng chuyên trách của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Cũng theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong đêm qua, tàu Sonar 886 của Quân chủng Hải quân đã tiếp cận được hiện trường triển khai nhiệm vụ. Đây là loại tàu chuyên dụng dò tìm phương tiện hàng hải, vật thể chìm dưới đáy biển bằng sóng siêu âm.

Cứu nạn hàng không tìm kiếm hộp đen Su-30

Sau khi máy bay Su-30MK2 mất tích, ngày 14-6, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã cử một đoàn công tác thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cùng với thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới vào vùng biển Nghệ An tham gia tìm kiếm hộp đen máy bay mất tích.

Thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới do Công ty RJE Internetional (Mỹ) cung cấp, gồm ba bộ máy thu định hướng trên mặt nước và một bộ máy thu định hướng dành riêng cho thợ lặn. Thiết bị làm việc dựa trên những tín hiệu âm tần thu được từ hộp đen tàu bay phát ra với khoảng cách tối đa 750 m đối với máy thu định hướng trên mặt nước và một km đối với máy thu định hướng dành cho thợ lặn.

Thiết bị dò tìm hộp đen máy bay. 

Khi thu được tín hiệu này, màn hình thiết bị tìm kiếm sẽ nhấp nháy và các mũi tên sẽ hiển thị phạm vi, hướng tới hộp đen giúp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác định được vị trí hộp đen, từ đó nhanh chóng tìm ra vị trí máy bay gặp nạn.

Theo đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, thiết bị này đã góp phần xác định vị trí máy bay Su-30MK2 rơi trên vùng biển Nghệ An trong ngày 14-6 và vẫn đang tìm kiếm hộp đen máy bay.