Hốt hoảng vì thiếu chỉ tiêu

ANTD.VN - Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), thật bất ngờ khi hàng loạt các trường ĐH tốp đầu có uy tín về chất lượng đào tạo đồng loạt thông báo thiếu chỉ tiêu tuyển sinh và cần bổ sung ở đợt tuyển sinh tiếp theo, trong đó có những trường hầu như chưa bao giờ rơi vào cảnh thiếu chỉ tiêu như các trường quân đội, một số ngành “hot” của trường ĐH Y, Bách khoa Hà Nội… 

Trường ĐH Y Hà Nội sau đợt 1 vẫn thiếu đến gần 350 trong tổng số 1.100 chỉ tiêu, trong đó Y đa khoa vốn là ngành luôn trong top điểm chuẩn cao nhất thì năm nay vẫn phải tuyển bổ sung. Tương tự, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng phải thông báo tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo; trường ĐH Thương mại cần thêm 1.450 chỉ tiêu; trường ĐH Mỏ - Địa chất thiếu 2.055 chỉ tiêu...

Học viện Tài chính trong ngày nộp hồ sơ nhập học cũng hốt hoảng vì có tới 1.300 thí sinh trúng tuyển không đến làm thủ tục. Dù đã huy động đến 15 cán bộ trực tiếp gọi đến số điện thoại cá nhân của các em nhưng câu trả lời chung hầu hết là thí sinh đã nhập học trường khác. Đặc biệt, các trường quân đội lần đầu tiên phải tuyển bổ sung lên đến hơn 1.000 chỉ tiêu hệ quân sự đã khiến hàng loạt thí sinh trót nộp hồ sơ vào các trường ĐH lớn khác muốn rút hồ sơ để nộp vào các trường này…

Ngay lập tức nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ, trong đó đa phần các trường cho rằng nguyên nhân do trong đợt 1 xét tuyển ĐH năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên số lượng thí sinh “ảo” lên đến 50% trên bình diện chung là điều có thể tiên lượng trước, trong khi các trường rất khó xác định được chính xác số lượng thí sinh nhập học.

Thêm vào đó, một nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn tuyển năm nay giảm so với năm ngoái, nhưng hầu hết các trường lại đều tăng chỉ tiêu. Năm 2015, số thí sinh dự thi THPT quốc gia là hơn 1 triệu, năm nay còn hơn 870.000 (giảm khoảng 12%), trong đó chỉ có 519.000 em thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm 70%), số còn lại chỉ để xét tốt nghiệp. 

Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc các trường ĐH lớn thiếu chỉ tiêu cũng phản ánh một tín hiệu mừng ở phía thí sinh, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các trường trong việc hoạch định kế hoạch đào tạo. Có vẻ như càng ngày sự “phân luồng” nghề nghiệp càng được thí sinh xác định rõ.

Các em đang ngày càng biết chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp và có khả năng xin việc làm chứ không nhất thiết là phải vào ĐH bằng mọi giá, không phải cứ trường ĐH lớn là hấp dẫn nhất. Bởi vậy, nếu các trường không xác định cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy, mà chỉ chăm chăm chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh để tăng nguồn thu thì việc ế ẩm cũng là điều dễ hiểu.