Hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc họp để chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra trong tháng 5 tới tại Nhật Bản, các Bộ trưởng Ngoại giao của 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cho rằng, đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề địa chính trị đang ngày càng phức tạp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Điểm nóng về an ninh, tranh chấp chủ quyền biển đảo

Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang tham gia cuộc họp kéo dài 3 ngày, từ 16 đến 18-4, tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa ở tỉnh Nagano thuộc miền Trung Nhật Bản. Hội nghị Ngoại trưởng G7 - với sự tham dự của người đứng đầu ngành ngoại giao các nước thành viên Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italia và một quan chức Liên minh châu Âu (EU) - nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida chủ trì, dự kiến diễn ra ở thành phố Hiroshima từ ngày 19 đến ngày 21-5 tới.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Karuizawa là sự chuẩn bị quan trọng về chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào tháng 5 tới

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Karuizawa là sự chuẩn bị quan trọng về chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào tháng 5 tới

Trong ngày đầu tiên nhóm họp, Ngoại trưởng các nước G7 đã dành thời gian để thảo luận về vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhất trí cho rằng, sự đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề địa chính trị ở khu vực chiến lược trọng yếu toàn cầu này, bao gồm cả những vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định đối với Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng cần phải thiết lập các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với cường quốc đang trỗi dậy Trung Quốc. Cùng với đó là các cuộc thảo luận về Trung Quốc và Triều Tiên trong bối cảnh địa chính trị và khu vực hiện nay, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc Ngoại trưởng các nước G7 dành thời gian thích đáng để thảo luận vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra sau đây hơn 1 tháng nữa cho thấy, bất chấp chủ đề “nóng” bao trùm vào lúc này là cuộc xung đột tại Ukraine hay nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu… đây luôn là vấn đề rất quan trọng với chiến lược toàn cầu của các cường quốc thế giới. Vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ra sao ảnh hưởng rất lớn và lâu dài tới lợi ích sống còn của không chỉ khu vực mà của tất cả các nước lớn trên toàn cầu.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển, đường hàng không huyết mạch có ý nghĩa sống còn đối với nền thương mại và kinh tế toàn cầu. Đây cũng là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới khi có sự hiện diện của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều thập kỷ qua là một điểm nóng về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu trên thế giới cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và nếu kiểm soát, chi phối được khu vực này về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới.

Chính vì vậy, các nước lớn, tổ chức khu vực, đặc biệt là các cường quốc từ nhiều thập kỷ qua đều đã xác định rõ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đi đôi với đó là tìm cách gia tăng ảnh hưởng, vị thế tại khu vực quan trọng này bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích quốc gia.

Hợp tác ứng phó với mọi thách thức, khủng hoảng

Nói đến vấn đề vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không thể không nhắc tới ảnh hưởng, vai trò của Mỹ và Trung Quốc cũng như cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc hàng đầu này. Dù có những khác biệt chính sách lớn với người tiền nhiệm, song Tổng thống Joe Biden sau khi nắm quyền vẫn rất chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất quán với chủ trương “Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn với khu vực này” để dành những ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của Mỹ.

Nhằm giữ vai trò chi phối, lãnh đạo thế giới trong bối cảnh Trung Quốc và Nga - những cường quốc mà Washington xác định là đối thủ chính - cũng đang gia tăng ảnh hưởng, vị thế trong khu vực, Mỹ có những điều chỉnh chiến lược nhằm duy trì ảnh hưởng, nhất là ưu thế sức mạnh quân sự vượt trội tại các khu vực trọng yếu để răn đe, ngăn chặn mọi sự canh tranh, các mối đe dọa, bảo vệ lợi ích quốc gia. Cùng với gia tăng sức mạnh bản thân, Mỹ nhấn mạnh vai trò của các liên minh, liên kết về kinh tế, chính trị và an ninh mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo, như: “Bộ tứ kim cương” (QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), Liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Australia), tam giác chiến lược “Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc”, “Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản”… để tập hợp lực lượng, tạo lợi thế trước các đối thủ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cũng tiếp tục gắn kết chặt chẽ với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia.

Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ suốt nhiều thập kỷ qua đã có sức mạnh vượt trội ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dần tiệm cận sức mạnh với Mỹ trong một số lĩnh vực. Trong quá trình trỗi dậy thành cường quốc toàn cầu, Trung Quốc xem khu vực này là “cửa ngõ” để tiến ra làm chủ đại dương cũng như gia tăng ảnh hưởng và lợi ích toàn cầu.

Cùng với việc đơn phương đòi chủ quyền ở Biển Đông khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò 9 đoạn” (đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ theo luật pháp quốc tế) và sự hiện diện lực lượng tại vùng biển có vị trí trọng yếu tại Thái Bình Dương, Trung Quốc còn thiết lập các chuỗi, mối liên kết ở khu vực. Trung Quốc tìm cách ngày càng mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự nhằm gia tăng vị thế cường quốc cũng như gia tăng khả năng kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các tuyến vận tải biển, hàng không “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cạnh tranh, va đập ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, cũng như các cường quốc liên quan như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ; cùng các vấn đề như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên… khiến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác. Các rủi ro địa chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát kèm suy thoái, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Các kiến trúc an ninh ở khu vực và trên thế giới đang có những thay đổi to lớn.

Đây là những thách thức đa chiều, nhiều tầng lớp và khó nhận diện. Theo giới phân tích, một trong những lý do quan trọng hàng đầu dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt lòng tin và tinh thần hợp tác, nhất là đối với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương. Việc không tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế có thể gây xói mòn dần trật tự quốc tế.

Do đó, việc tiếp tục tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực, duy trì, củng cố lòng tin và hợp tác là cần thiết để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực. Các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn, cần có trách nhiệm lớn hơn trong hành xử để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển. Hơn hết là các quốc gia trong khu vực với trách nhiệm của mình cần hợp tác để giải quyết mọi thách thức, khủng hoảng.