"Họp chợ" trên truyền hình và ứng xử chợ búa của người mẫu

ANTD.VN - Vietnam Next Top Model 2017 từng được cho là nơi hội tụ của những cô gái có cá tính mạnh. Và chỉ mới đến tập 4, những “cá tính mạnh” đó có bao nhiêu đều bộc lộ hết, từ những lời nhận xét thiếu thiện cảm, những cái bĩu môi, lườm nguýt cho đến đỉnh điểm là màn vứt đồ, ném sách và thậm chí tạt nước vào mặt nhau. Người xem ngạc nhiên tột độ, không hiểu nổi ngôi nhà chung hay là cái chợ. Và càng không hiểu, chương trình đưa những đoạn cãi vã này nhằm mục đích gì, gây shock để câu view?

"Họp chợ" trên truyền hình và ứng xử chợ búa của người mẫu ảnh 1Màn ẩu đả ở Vietnam Next Top Model 2017 của nhóm thí sinh

Nhiều mùa Vietnam Next Top Model qua đi. Có mùa khán giả xì xào về tính cách ích kỷ của một mầm non người mẫu nọ. Thấy bạn đồng hành thành công thì dè bỉu, hễ một chút phật ý là “xù lông”. Có mùa, khán giả sốc vì một cô người mẫu lấc cấc và hỗn hào nhưng lại được khen là tài năng nên bao nhiêu cư xử nghịch mắt đều được thông cảm cho qua…

Ở một vài mùa trước, thấy xì xào, chương trình có kịch bản cả rồi. Phân vai “hiền”, vai “ác”, vai “trung lập”, thế mới có kịch tính, cao trào, nút thắt nút mở…Xì xào thế thôi, chứ người trong cuộc chẳng có ai lên tiếng khẳng định hay phủ nhận. Cứ giả dụ thế này kịch tính mà đến độ xô xát như tập 4 vừa qua giữa hai nhóm thí sinh Nguyễn Hợp - Cao Thiên Trang và Thùy Dương thì có lẽ đã quá đà rồi. 

Những “cô nàng cá tính” không còn dùng lời nói để mát mẻ nhau mà thay vào đó là hành xử theo kiểu “cô nàng ngổ ngáo”. Nguyễn Hợp ném đồ của nhóm Cao Thiên Trang ra khỏi phòng, ngay sau đó Thùy Dương cũng ném sách vào mặt Nguyễn Hợp và như thế chưa thỏa, cả hai không ngần ngại hắt nước vào mặt nhau khiến cho ngôi nhà chung ầm ĩ không khác gì cái chợ.

Nhiều khán giả không hiểu dụng ý của nhà đài khi đưa màn thí sinh ẩu đả rất thiếu văn minh vào chương trình để làm gì. Vì nếu là để khẳng định cá tính, sự mạnh mẽ, nổi loạn của những cô người mẫu xinh đẹp kia e phản tác dụng. Còn nếu lợi dụng hình ảnh không đẹp này để gây sốc, câu view thì lại e rằng trò này đã lỗi thời. Người ta chẳng còn tò mò về những cảnh “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” nữa mà thay vào đó là sợ, là bội thực. Xã hội bất an đến thế sao? Con người với con người có còn tình thương và sự nhường nhịn. 

"Họp chợ" trên truyền hình và ứng xử chợ búa của người mẫu ảnh 2Liên tục tranh cãi trong Ngôi nhà chung

Ngay khi sự việc xảy ra, Giám đốc sản xuất chương trình Vietnam Next Top Model 2017 cũng đã có mặt và kịp thời làm “người phán xử”. Ngoài việc phân tích lý lẽ thiệt hơn cho những cô gái trẻ giúp họ nhận ra lỗi của mình và sửa chữa thì trên trang cá nhân, Giám đốc sản xuất Vietnam Next Top Model cũng vị tha mà rằng: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” bởi tuổi trẻ ai chẳng có sai lầm.

Những người làm chương trình nhân văn tha thứ cho sai lầm của tuổi trẻ. Đương nhiên, khán giả cũng luôn vị tha. Nhưng có một điều chẳng nên quên, cuộc thi chính là bước đệm quan trọng để các người mẫu sau này có thể sải những bước dài trên sàn diễn, trên con đường rải đầy hoa vinh quang của nghề nghiệp. Thành công ấy có bền không hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của họ với nghề, với bạn diễn, với khán giả và cả lớp anh, chị đi trước. Vì thế, các cụ  mới có câu “tiên học lễ hậu học văn” là vì lý do đó.

Có nhiều đồng nghiệp bảo với tôi rằng, đó chính là mặt trái của nghề người mẫu Việt Nam, có kèn cựa bon chen, có ganh đua, đố kỵ đôi khi ngứa mắt nhau chỉ vì hơn thua một cái túi hàng hiệu. Tôi tin, nghề nào mà chẳng có bon chen. Nhưng tôi cũng tin rằng, vẫn có rất nhiều người mẫu Việt, họ học ăn học nói, học trên kính dưới nhường rồi thành danh một cách bền bỉ và an toàn. Thành công của họ được xây đắp từ gốc văn hóa chắc chắn chứ không phải bằng chiêu trò, bằng scandal. Và những người nghệ sĩ đó, họ mới là những người  xứng đáng được các thế hệ khán giả vinh danh.