Hơn 2.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến hết ngày 8/10, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, có 133 trẻ em dưới 5 tuổi và tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía nam.
Lãnh đạo TP.HCM động viên, thăm hỏi trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19

Lãnh đạo TP.HCM động viên, thăm hỏi trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19

Ngày 9/10, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo của 47 địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, có 133 trẻ em dưới 5 tuổi và tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía nam.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em, phụ nữ mang thai. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.

Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,26 tỷ đồng cho 1.427 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức một triệu đồng/trẻ em).

Triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí trên 105,1 tỷ đồng tới 4.765 người lao động mang thai và 100.415 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động.

Đồng thời, 533.920 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 295 tỷ đồng và 14.330 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/trẻ em.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã quyết định sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị hoặc cách ly tập trung với nhóm đối tượng F0, F1.

Ngoài chính sách hỗ trợ trước mắt cho trẻ em mồ côi, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) xây dựng nhanh các hướng dẫn về chăm sóc thay thế phù hợp với nguyên tắc và khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ địa phương triển khai đánh giá trẻ em mồi côi, xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ phù hợp nhất và hiệu quả nhất với các em; đồng thời tập huấn đội ngũ cán bộ hỗ trợ nâng cao năng lực cho trẻ em ở cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý cho trẻ em.

Theo khuyến cáo mới của UNICEF tại Việt Nam, cần chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do Covid-19.

Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, thì chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi trẻ, sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ các em và chính phủ cần hỗ trợ và giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.