- Nỗ lực hòa bình dang dở của thủ lĩnh Hamas vừa bị ám sát tại Iran
- Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas bị ám sát ở Iran là ai?
- Đàm phán ngừng bắn Israel-Hamas có bị ảnh hưởng khi ông Biden dừng tranh cử?
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc |
Chiều 31-7 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn theo yêu cầu của Iran, và được Nga, Algeria và Trung Quốc ủng hộ.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Trung Quốc Fu Cong cho biết, Trung Quốc lên án mạnh mẽ vụ ám sát ông Haniyeh. Gọi vụ việc là “một nỗ lực trắng trợn nhằm phá hoại các nỗ lực hòa bình”, Đại sứ Cong nhấn mạnh rằng “Trung Quốc vô cùng quan ngại về sự gia tăng của tình hình bất ổn trong khu vực mà vụ việc này có thể gây ra”.
Tương tự, Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc, ông Amar Bendjama, cảnh báo: “Chúng ta đang bên bờ vực thảm họa”, đồng thời nói thêm rằng vụ ám sát ông Haniyeh là “một hành động khủng bố”, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Iran.
“Đây không chỉ là cuộc tấn công vào một người. Đây là cuộc tấn công tàn bạo vào chính nền tảng của quan hệ ngoại giao, sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc làm nền tảng cho trật tự toàn cầu của chúng ta”, ông Bendjama nhấn mạnh.
“Với sự cấp bách nhất, chúng tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện ở Dải Gaza và dỡ bỏ lệnh phong tỏa vô nhân đạo ở Gaza”, Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc nói.
Đồng tình với Algeria, ông Dmitry Polyansky, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, đã nhắc lại lời lên án của nước này đối với vụ ám sát ông Haniyeh, đồng thời nói thêm rằng hậu quả của vụ tấn công là “nguy hiểm” đối với toàn bộ khu vực.
Kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không để nổ ra chiến tranh khu vực toàn diện, ông Polyansky nhắc lại sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và toàn diện nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an.
Nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch giữa Israel và Hezbollah, rút quân đội Israel khỏi Lebanon để thay thế bằng lực lượng Lebanon và Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc triển khai tới miền nam Lebanon, cũng như giải giáp các nhóm vũ trang, bao gồm cả Hezbollah.
Thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh |
Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood đã nói với Hội đồng Bảo an rằng “Israel có quyền tự vệ trước các cuộc tấn công của Hezbollah và những tổ chức khủng bố khác”.
Nhấn mạnh việc Mỹ không liên quan đến vụ tấn công do Israel thực hiện ở khu vực phía nam Beirut, ông Wood cho biết “hoàn toàn không có nghi ngờ gì, rằng Hezbollah chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này”.
Lưu ý rằng Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel kể từ ngày 8-10 năm ngoái với sự hỗ trợ của Iran, ông Wood cho biết các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không nên dung thứ cho những vụ tấn công này.
Phó Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Iran phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Hội đồng nên xem xét các biện pháp bổ sung chống lại các hành động của Iran đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.
Ông Wood cũng khẳng định, Mỹ không liên quan đến cái chết của ông Haniyeh, đồng thời cáo buộc Iran và các lực lượng ủy nhiệm mà nước này hỗ trợ liên tục gây ra nguy cơ xung đột khu vực. Ông Wood kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an có ảnh hưởng đối với Iran gia tăng áp lực lên Tehran.
Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward cũng nhấn mạnh rằng bạo lực gia tăng không có lợi cho bất kỳ ai, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế.
Bà Woodward lưu ý rằng nhóm Houthi được Iran hậu thuẫn vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào Israel và cho biết điều này phải chấm dứt. Bà cũng tái khẳng định cam kết không lay chuyển của Vương quốc Anh đối với an ninh của Israel, nói rằng Israel có quyền tự vệ.