Học 7 năm mới được hành nghề bác sỹ

ANTD.VN - Với mong muốn đào tạo thế hệ bác sĩ mới có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai của hệ thống y tế, các trường đào tạo ngành Y đang bàn cách thay đổi chương trình cũ vốn được thiết kế từ hàng chục năm trước. Dự kiến, để được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ sẽ phải trải qua các khóa đào tạo kéo dài ít nhất 7 năm.

Học 7 năm mới được hành nghề bác sỹ ảnh 1Đào tạo bác sĩ theo chương trình truyền thống đã không còn phù hợp nhu cầu nâng cao chất lượng ngành y

Kiểu cũ không đáp ứng yêu cầu thực tế

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo ĐH Y Hà Nội cho rằng, chương trình đào tạo y khoa của Việt Nam đã được thiết kế hàng chục năm trước, chỉ phù hợp khi điều kiện số lượng sinh viên ít, các thầy cô giáo có nhiều thời gian hướng dẫn trên lâm sàng.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy này còn nặng về lý thuyết, chồng chéo, ít thực hành, chưa dựa trên chuẩn năng lực đầu ra. Các môn học rời rạc, không gắn kết với nhau khiến người học khó có thể tư duy logic, vận dụng được. “Hiện nay, yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh cao hơn nhiều so với trước đây nên đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng của y bác sĩ phải nâng cao hơn, chuyên sâu hơn. So với nhu cầu phát triển của y học hiện nay và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, chương trình đào tạo y khoa hiện nay không còn phù hợp, cần phải có sự đổi mới”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Phân tích từ thực tế giảng dạy, GS Phạm Thị Minh Đức, trường ĐH Thăng Long cho biết, sinh viên Y đa khoa có điểm đầu vào rất cao, nhưng những năm đầu các em hăng hái, tự tin bao nhiêu thì đến những năm cuối lại thụ động bấy nhiêu. Điều này phần nhiều xuất phát từ phương pháp dạy học kiểu truyền thống khiến sinh viên học theo kiểu thụ động. Trong khi đó, số lượng sinh viên quá đông, khó giám sát quá trình học tập. Năng lực quản lý của các trường còn hạn chế nên chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. 

Tăng thời gian đào tạo bác sĩ 

Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Chính phủ ban hành, đào tạo đại học có thể rút ngắn thời gian xuống còn 3 năm. Tuy nhiên, rút ngắn không phải là xu hướng mà khối đào tạo ngành y lựa chọn. GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng việc tự chủ, xây dựng theo hướng chủ động rút ngắn thời gian đào tạo là một bước tiến rất quan trọng để các trường ĐH hội nhập với quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, riêng đối với đào tạo ngành Y, việc học 6 năm như đang áp dụng với sinh viên Y khoa hiện nay sẽ phải kéo dài hơn để đảm bảo chất lượng.

Hiện tại, sinh viên học Y khoa sau 6 năm ra trường đã có thể hành nghề bác sĩ. Sau đó, họ học thêm chuyên khoa I, chuyên khoa II. Tuy nhiên, việc vừa đi làm vừa đi học như vậy sẽ rời rạc nên việc đi học tiếp chuyên khoa là không chắc chắn. Vì thế, nhiều bác sĩ có thể không đạt được trình độ chuyên khoa nhất định. Trước bất cập này, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, nên thay đổi theo hướng sinh viên Y khoa học 6 năm để hoàn thành giai đoạn đầu. Để được đào tạo đầy đủ về chuyên khoa, sinh viên phải học tiếp thêm 1 hoặc 2 giai đoạn nữa (3-5 năm hoặc nhiều hơn nữa) thì mới hoàn chỉnh một chương trình đào tạo y khoa chuyên ngành. Việc học tập liên tục như vậy sẽ đào tạo đội ngũ bác sĩ đủ chuyên sâu, hiệu quả hơn trong khám chữa bệnh.

“Với chương trình đào tạo mới, nhà trường khuyến khích sinh viên học tiếp 2-3 năm chuyên khoa ngay sau khi tốt nghiệp và sau đó học chuyên khoa sâu khoảng 2-3 năm. Trong quá trình đó, từ năm học thứ bảy, người học đủ điều kiện sẽ tham gia kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế tổ chức để hành nghề bác sĩ”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cho biết.

Hướng tới hội nhập quốc tế, việc đổi mới chương trình đào tạo sẽ được trường ĐH Y Hà Nội tiến hành theo kiểu cuốn chiếu với bước đầu tiên là đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa theo hướng tích hợp các môn học riêng vào trong một học phần. GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, dự kiến bắt đầu từ năm học 2017 và đến năm 2024 trường này sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình đổi mới, qua đó sẽ đào tạo được một thế hệ bác sĩ mới có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai của hệ thống y tế.