Hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn ở Bắc bộ

ANTĐ - Sáng 1-8, bão số 2 (tên quốc tế là Nida) đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) và vào Biển Đông, với sức gió giật lên tới cấp 14-15. Bão số 2 được dự báo đổ bộ vào đất liền Trung Quốc nhưng được dự báo sẽ gây mưa to đến rất to ở vùng núi và Trung du Bắc bộ và vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vào 16h ngày 1-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/h), giật cấp 14-15.

Trong ngày 2-8, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16h cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,6 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông trên đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/h), giật cấp 13-14.

Dù không đổ bộ vào Việt Nam, nhưng theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, từ đêm 2-8, các tỉnh  Đông Bắc bộ có mưa vừa đến rất to, sau đó mưa lan dần ra toàn Bắc bộ. Riêng vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trong đợt này ở mức 100-200mm.

Để chủ động đối phó với hoàn lưu của bão số 2, ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung ứng phó với hoàn lưu của bão số 2.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động rà soát phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn; rà soát, chủ động di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm hoặc sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán khi bão có nguy cơ ảnh hưởng.

Đặc biệt, cần có phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực miền núi, trung du có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đảm bảo an toàn.

Ban chỉ huy phòng chồng thiên tai TP Hà Nội chiều 1-8 cũng đã ra công điện yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện có phương án phòng mưa ngập do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 2 có thể gây mưa lớn trên địa bàn.

Theo đó, yêu cầu Công ty TNHH MVT Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, các Công ty Thủy lợi chủ động tiêu nước đệm, sẵn sàng thiết bị máy móc, triển khai phương án tiêu úng ở các vùng trũng thấp; Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa bão, hạn chế thấp nhất về người và tài sản, không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

Do ảnh hưởng của bão số 2 tới Hồng Kông và Quảng Châu (Trung Quốc), Vietnam Airlines cho biết, 8 chuyến bay của hãng đến/đi từ 2 sân bay này sẽ khởi hành chậm từ 3h35 đến 5h40 trong ngày 2-8. Kế hoạch điều chỉnh lịch bay nêu trên ảnh hưởng dây chuyền đến một số chuyến bay đến/đi từ các sân bay Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh (Nha Trang) và Cao Hùng (Đài Loan). Các chuyến bay có giờ khởi hành chậm từ 15 phút đến hơn 2 giờ.

Trong khi đó, tới nay, bão số 1 đã gây tổng thiệt hại lên tới 3.428 tỷ đồng do ảnh hưởng về sản xuất nông nghiệp, điện và giao thông, thủy lợi, nhà ở. Số lượng nhà bị tốc mái là 32.102 căn, 5.620 nhà bị ngập nước; 16.808 cột điện bị gãy, đổ (riêng tỉnh Nam Định là 14.200 cột).      

Chủ động ứng phó với cơn bão số 2

Ngày 1-8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với cơn bão số 2, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời; kiểm tra các hồ của các nhà máy thủy điện, hệ thống mái che, thoát nước, bãi thải xỉ của các nhà máy nhiệt điện… để sẵn sàng đối phó với bão số 2.

EVN cũng yêu cầu điện lực các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 - Mirinae nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Hiện Hà Nam vẫn là tỉnh có nhiều khách hàng chưa được cấp điện trở lại sau bão số 1.

Hà Linh