Hoa trong văn hóa cưới hỏi người Hà Nội

ANTD.VN - Người Hà Nội xưa có thú chơi hoa trồng trong chậu và cây cảnh nhưng đám cưới lại không có hoa và cũng không có tục chú rể trao hoa cho cô dâu. Trang trí hoa trong ngày cưới và trao hoa  cho cô dâu là văn hóa ngoại sinh.

Hoa trong văn hóa cưới hỏi người Hà Nội ảnh 1Thuê xe đón dâu và hoa cô dâu là hai việc quan trọng nhất trong đám cưới người Hà Nội xưa (Ảnh: Internet)

Ngược thời gian, khi người Pháp chiếm Hà Nội năm 1882 thì chỉ vài năm sau họ đã lập Vườn thực vật (nay một phần là Công viên Bách Thảo) để uơm các giống  rau, cây và các loài hoa nhập từ xứ ôn đới hay nhiệt đới. Nếu giống nào phù hợp với khí hậu họ sẽ nhân lên để trồng đại trà. Vì Vườn thực vật nằm trên một phần đất của hai làng vốn có nghề trồng hoa lâu đời là Ngọc Hà và Hữu Tiệp nên Giám đốc vườn thuê luôn dân hai làng này vào làm công.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cùng với vợ con binh lính và công chức, rất nhiều người Pháp cũng sang Hà Nội lập nghiệp, sinh sống. Và họ mang theo văn hóa quê nhà trong đó có thú chơi hoa cắm bình. Người Pháp mua hoa cắm hàng ngày nên đốc lý Hà Nội đã phải cho làm ki-ốt bán hoa ngay ở góc ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Vào dịp Noel, Tết Dương lịch và nhất là Quốc khánh Pháp (14-7) họ mua nhiều hơn. 

Nhu cầu hoa rất cao trong khi hoa ở “Vườn thực vật” không đủ cung cấp nên nhiều người dân Ngọc Hà và Hữu Tiệp lần mò tìm được nguồn cung cấp hạt giống và thế là nhiều gia đình bỏ các giống hoa bản địa như: sói, ngâu, hải đường, cúc vạn thọ... chuyển sang trồng hoa Tây để đáp ứng  nhu cầu đó. Họ trồng: lay ơn, violet, păng sê, thược dược, hoa bướm, đồng tiền đơn... rồi đàn bà con gái gánh vào phố rao nửa tiếng Tây, nửa tiếng ta.

Người Pháp khi tổ chức đám cưới ở Hà Nội họ vẫn theo phong tục truyền thống, trang trí hoa trong phòng, gắn hoa lên mui xe ô tô và chú rể  trao hoa cho cô dâu. Người dân Ngọc Hà, Hữu Tiệp nhanh chóng tiếp thu  được tính tượng trưng của mỗi loại. Họ cũng học được kiểu bó hoa cưới, trang trí hoa trên mui xe ô tô và được khen là  khéo tay và rất đẹp. 

Hoa trong văn hóa cưới hỏi người Hà Nội ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Từ xưa, người Hà Nội vốn luôn tiếp nhận những cái mới cái hay trong lối sống, văn hóa ở các vùng miền, của nuớc ngoài để rồi thay đổi, lấy cái tinh rồi biến  nó thành của riêng làm giàu cho văn hóa đất Kẻ Chợ. Vì thế những cái hay trong lối  sống, trong văn hóa Pháp dần dần ngấm vào cuộc sống Hà Nội. Và tiên phong là những gia đình  giàu có, người  làm cho các sở Tây, sinh viên đi du học ở Pháp về và những thanh niên ưa thích tân thời. Trong cuốn sách được cho là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam là “Tố tâm” (xuất bản năm 1925) của Hoàng Ngọc Phách đã nói đến chú rể tặng hoa cho cô dâu trong đám cưới ở Hà Nội.

Dù vẫn giữ phong tục truyền thống như: chạm ngõ, ăn hỏi đón dâu nhưng nhiều gia đình đã mời cưới bằng thiệp, tổ chức tại khách sạn. Chú rể khi đón dâu phải lạy sống bố mẹ cô dâu bị bãi bỏ. Chú rể không đeo thẻ ngà, không mặc áo lam mà thay bằng complet, không đón dâu bằng xe song mã mà thay bằng ô tô mui trần. Năm 1931, đám cưới con trai nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi gây ồn ã Hà Nội. Đám cưới không tổ chức ở nhà mà làm ở khách sạn. Thuê máy bay xuống Hải Phòng đón dâu và chú rể trao cho cô dâu bó hoa hồng to. Thấy đám cưới  kiểu tân thời sang trọng và lịch sự nên dần dần các gia đình ở Hà Nội theo nhau. Đám cưới  nào cũng có hoa trang trí và chú rể trao hoa cho cô dâu.  

Sau năm 1954, cưới hỏi ở Hà Nội có sự  thay đổi và  gọi là cưới đời sống mới. Đám cưới được tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhất là giai đoạn miền Bắc có chiến tranh. Đám cưới thời chiến không cỗ bàn linh đình. Người  trong biên chế  Nhà nước thì nhờ hội trường cơ quan, chỉ nước chè, thuốc lá, vài cái kẹo, vài cái bánh cùng tràng vỗ tay chúc mừng là xong. Cưới ở tư gia cũng đơn giản. Chú rể mặc quần Âu, áo sơ mi trắng, cô dâu áo trắng, quần lụa đen, không hoa.

Nhưng Hà Nội với những lối sống và  nét văn hóa mà họ cho là đẹp vì thế sau giai đoạn chiến tranh, đám cưới dần quay lại như một thời. Cưới thời bao cấp đủ thứ phải lo, nào gom phiếu để mua thịt nấu cỗ, lo mượn bàn mượn ghế nhà hàng xóm, khăn trải bàn rồi bạt che. Nhưng nhà trai phải lo 2 việc quan trọng nhất là thuê xe đón dâu và hoa cô dâu. Cung cấp hoa cưới vẫn 2 làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp.

Có một sự thay đổi nho nhỏ, trên ngực của chú rể có thêm bông hoa hồng để phân biệt với phù rể. Cô dâu vẫn mặc áo dài trắng. Trên mái tóc cài một bông hồng trắng làm duyên và cũng là  phân biệt với các cô phù dâu. Khi đón dâu chú rể trao cho cô dâu bó hoa lay ơn trắng. Cả nhà trai, nhà gái đều có lọ hoa trên bàn nước. Hoa cắm bàn một thời chủ yếu là hoa đồng tiền. Lại có giai đoạn cải tiến, không cắm vào lọ mà cắm vào bát, trong bát nước có bàn chông đúc bằng chì. Hoa đồng tiền ngắt bớt cuống rồi cắm vào chông. Trông cũng lạ và hay mắt. 

Ngày nay đám cưới ở Hà Nội diễn ra quanh năm, tuy nhiên, nhiều đôi trai gái vẫn chọn mùa thu để tổ chức đám cưới. Phong tục xưa đã bị lược đi nhiều và cỗ có thể to hay nhỏ nhưng chắc chắn không thể thiếu được hoa. Hoa khiến đám cưới lịch sự, cũng là duy trì một nét văn hóa trong cưới hỏi. Đó là tính cách của người Hà Nội vốn coi trọng cái bên trong và cái bên ngoài.