Hóa giải những hiểu lầm về sốt cao ở trẻ

ANTĐ - Hầu như đứa trẻ nào cũng có lần bị sốt, mà nói đến sốt nhiều bậc cha mẹ vẫn còn có những quan niệm và cách xử trí theo kiểu dân gian, phản khoa học.

Hóa giải những hiểu lầm về sốt cao ở trẻ ảnh 1

Thấy sốt là phải trị dứt hẳn

Thực tế, sốt thường là biểu hiện bên ngoài của một căn bệnh tiềm ẩn nào đó, vì thế, điều trị dứt cơn sốt không phải lúc nào cũng cần thiết. Khi chúng ta đang bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, cơ thể giải phóng các hóa chất tạm thời giúp thiết lập lại “bộ điều chỉnh nhiệt” nằm trong não. Kết quả là thân nhiệt có xu hướng tạm thời tăng lên. Điều này làm cho công việc của hệ miễn dịch thuận lợi hơn, đồng thời cũng khiến các vi khuẩn và virus khó tồn tại hơn vì cơ thể của chúng ta nóng hơn so với môi trường có lợi cho mầm bệnh. Vì lý do này, đôi khi điều trị sốt không phải là cách hay. 

Trong nhiều trường hợp, người bị sốt nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và  giữ tinh thần thoải mái. Nói như vậy không có nghĩa là coi thường triệu chứng sốt. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nếu nhiệt độ đo dưới nách là trên 38,5°C, đồng thời trẻ rất mệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi, dùng thuốc hạ sốt liên tục trong 24 đến 48 giờ mà không thấy dứt, cùng với một số dấu hiệu khác như trẻ bị cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn – không chịu uống nước, phát ban, ngủ li bì, có vấn đề về hô hấp, đau đớn khổ sở…

Mọc răng làm cho trẻ sốt

Đây chỉ là quan niệm dân gian bởi nghiên cứu khoa học cho thấy mọc răng không gây sốt ở trẻ. Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã theo dõi trẻ sơ sinh trong 7 tháng để kiểm tra những triệu chứng có liên quan đến sự xuất hiện của những chiếc răng mới, nhưng sự thực là không có bằng chứng chứng  minh  điều ấy. Quan niệm nói trên phổ biến có lẽ là vì khung thời gian trẻ mọc răng (từ 4-24 tháng tuổi) trùng với khoảng thời gian trẻ qua thời kỳ có nhiều sức đề kháng ban đầu, chuyển sang giai đoạn dễ bị nhiễm một số bệnh nhiễm trùng nên bị sốt. Nếu cứ nghĩ là trẻ sốt vì mọc răng, cha mẹ có thể bỏ qua một bệnh tiềm ẩn nào đó.

Sốt cao co giật thường rất nguy hiểm

Ngược lại, hiện tượng sốt cao co giật lại hầu như không có hại. Hầu hết trẻ em bị sốt thường có biểu hiện quấy khóc, khó chịu và cứ 30 trẻ lại có 1 trẻ bị sốt cao co giật tại một thời điểm nào đó. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Khi ấy, đứa trẻ thường mất ý thức, cơ bắp co cứng lại và giật, mặt có thể đỏ bừng hay tái đi. Chứng kiến cảnh đó, các bậc cha mẹ cảm thấy lo sợ nhưng về mặt khoa học, triệu chứng ấy không gây tổn thương cho não hay tác hại nào khác. 

Khi trẻ bị co giật cha mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh, đặt trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng trên bề mặt mềm, theo dõi thời gian co giật kéo dài bao lâu. Đừng dùng nước lạnh tắm cho trẻ trong lúc đó và cũng không cố ghìm giữ con vì làm như vậy có thể gây thương tích. Không gì có thể làm cho cơn co giật dừng lại cả, nhưng nếu nó kéo dài hơn 5 phút, hãy gọi xe cứu thương hay tư vấn của bác sĩ. Dùng thuốc Paracetamol hay ibuprofen có thể giúp một đứa trẻ đang sốt cảm thấy thoải mái hơn nhưng thuốc không có tác dụng ngăn ngừa được các cơn co giật do sốt cao, vì thế trong lúc trẻ bị co giật, đừng cố cho trẻ uống thuốc.

Tắm nước lạnh để giảm sốt

Điều này không được khuyến khích bởi nước lạnh có thể làm thân nhiệt tăng lên khi da được làm mát, từ đó gây ra hiện tượng run rẩy, ớn lạnh. Trong khi đó, lau người bằng nước ấm có thể làm cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, còn có một số biện pháp đơn giản khác giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị sốt cao là: Uống nhiều nước hay một dung dịch có chứa chất điện giải để thay thế chất lỏng bị mất do mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy; Thay quần áo và ga trải giường thường xuyên; Mặc quần áo và đắp chăn ở mức tối thiểu, không quấn quá chặt; Chú ý phòng thông gió, thoáng khí...