Hóa đơn trăm triệu và cái lý của người nghèo

ANTĐ - Trên mạng mấy hôm nay đang sôi sùng sục vì mấy cái hóa đơn đi bar thanh toán lên tới cả trăm triệu đồng, dân tình bàn tán xôn xao. 

Hóa đơn trăm triệu và cái lý của người nghèo ảnh 1Minh họa: Internet

Mới đầu là hóa đơn 181 triệu đồng khiến khối người nghèo giật mình phát hoảng, thì lại tiếp tục “sốc” với cái hóa đơn 218 triệu đồng. Chưa hết, thế ăn thua gì? Dân mạng còn bảo: choáng hơn, có hóa đơn 400 triệu đồng… Chả biết thật hư thế nào! Chắc là thật vì dân đi bar thì ăn chơi khét tiếng, vài chai rượu ngoại là chuyện thường. Dân chơi mà! Thế mới là dân chơi! Thế mới thể hiện đẳng cấp đi bar! Nhưng có người lại bảo, chắc là giả, ảo cả đấy, cái hóa đơn ấy tự viết ra chụp lại rồi tung lên mạng lòe thiên hạ khó gì?

Đúng là trên mạng thì lắm chuyện ảo, đừng có mà tin! Nhưng cái chuyện tiếp khách tràn cung mây ở khắp ở các cơ quan, đơn vị, khắp các huyện, thị, xã, phường, thôn, bản… với những hóa đơn nhà hàng thanh toán vài triệu đồng, thậm chí đến cả chục triệu đồng thì là chuyện có thật cả đấy. Một khe cửa hẹp rất dễ phù phép: Chi tiếp khách! 

Cách đây lâu lắm rồi, nghe nói từng có cơ quan đoàn thể “ăn” cả tiền hỗ trợ bão lụt, đến khi phải giải trình toàn thấy liệt kê mua bánh ngọt, tiếp khách. Lạ! Cái đoàn thể ấy ăn bánh ngọt đến tài. 

Mới đây, ở huyện nọ, ông Phó Bí thư thường trực huyện ủy đã  gửi văn bản đến lãnh đạo cấp trên đề nghị làm rõ bội chi ngân sách trong thời gian chính ông làm Chủ tịch UBND huyện. Số tiền bội chi ngân sách lên đến trên 8 tỷ đồng, trong đó có khoản chi tiếp khách lên đến 1,2 tỷ đồng.

 Giật mình chưa, “sốc” chưa? Còn “choáng” hơn cái hóa đơn 400 trăm triệu đồng ấy chứ. Vì đây không phải là ảo, mà là thật! Tiếp khách khiến bội chi ngân sách không còn là câu chuyện của một huyện nữa rồi mà là vấn đề lớn của xã hội. Bởi tiền tiếp khách toàn là tiền ngân sách cả đấy, tiền “chùa” cả đấy, chứ có phải tiền túi của ai đâu.

Theo quy định tài chính cũng có quy định định mức cho cái khoản chi tiếp khách này nhưng quy định thì cứ quy định, chi thì cứ chi. Hình như theo Thông tư của Bộ Tài chính còn quy định tiếp khách không được uống rượu ngoại. Nhưng thực tế, có cuộc tiếp khách nào tại các nhà hàng sang trọng mà lại uống rượu nút lá chuối đâu. Thế để thấy rằng quy định kia chẳng nghĩa lý gì. Chai rượu ngoại, mèng thì hai ba triệu đồng, mà sang thì cũng đến hai chục triệu. Thế bội chi ngân sách là phải.

Người nghèo thì cứ nhìn thấy cái hóa đơn kiểu ấy là giật mình, rồi họ đem ra so sánh chai rượu kia khối người bệnh qua được cơn nguy kịch, hóa đơn kia, con số bội chi lãng phí kia mà dành ra cho học sinh nghèo thì sao… Đó là cái lý của người nghèo, cứ mỗi khi chứng kiến cảnh lãng phí lạm vào ngân sách, lạm vào đồng tiền đóng thuế của dân thì họ lại than như vậy thôi. Việc tiếp khách, lễ lạt, tiêu tiền chùa lại là có cái lý của người tiêu tiền. Được phép chi thì vẫn cứ chi!

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị phải tiết kiệm các khoản chi lễ lạt, tiếp khách để tăng lương tối thiểu cho người lao động. Đại biểu này cho rằng cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng để có thể tăng lương tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, trong các khoản chi ngân sách thì tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài…). Nếu chúng ta chắt chiu, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh tiết, lễ hội, tiếp khách… thì có thể tiết kiệm được một khoản để dành chi trả lương.

Vâng cảm ơn Đại biểu Quốc hội đã nói lên tiếng nói của người dân, tiếng nói của cử tri. Đừng để khoản chi tiếp khách, bia rượu trở thành gánh nặng của ngân sách. Dân mong lắm!

Nhưng làm thế nào để tiết giảm được cái khoản lễ lạt này? Có một bài báo đã phỏng vấn ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương câu hỏi đó, ông Ngô Văn Sửu đã trả lời: “Cái gốc là công tác cán bộ. Nếu cán bộ xấu thì chẳng có cơ chế nào cả. Kể cả là những cán bộ cấp thấp nhất như trưởng thôn thì cũng có những kẽ hở để làm lợi”. Ông cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói đúng rồi. Cái gốc là công tác cán bộ. Kể cả cán bộ mời khách và cán bộ khách mời!