Hỗ trợ ngư dân vươn khơi: Đóng tàu vỏ thép, bảo hiểm rủi ro

ANTĐ - Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ ngư dân có tàu cá hiện đại để vươn khơi, bảo vệ ngư dân trước những rủi ro. Cụ thể việc hỗ trợ ngư dân như thế nào, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn  Tám đã có cuộc trao đổi về đột phá này.

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi: Đóng tàu vỏ thép, bảo hiểm rủi ro ảnh 1


- Chi phí tàu vỏ thép khá cao, trong khi hiệu quả đánh bắt chưa cao, gây tâm lý e ngại trong ngư dân, ông nghĩ sao?

-Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Phát triển tàu vỏ thép là hướng hiện đại hóa của ngành Thủy sản. Độ an toàn và tính ưu việt của tàu vỏ thép so với tàu vỏ gỗ đã được khẳng định kể cả về khoa học và trong thực tiễn tại nhiều nước.

Cần hiểu đúng việc chuyển tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép là chuyển về cơ cấu tàu, tức là giảm số lượng tàu vỏ gỗ (chủ yếu là giảm tàu dưới 90 CV đang hoạt động ở vùng biển gần bờ, tăng tàu vỏ thép lớn hơn 400 CV ở vùng biển xa bờ). Về chi phí, theo các chuyên gia, giá tàu vỏ thép đóng mới gấp 1,5 đến 2 lần tàu vỏ gỗ.

Chi phí tàu vỏ thép cao hơn cũng gây e ngại cho ngư dân. Đồng thời, lao động cũng phải được đào tạo về kỹ thuật cao hơn. Để giúp ngư dân yên tâm, chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến trên cơ sở tổ chức triển khai một số mô hình hiệu quả, cũng như làm cho ngư dân thấy rằng, tàu vỏ sắt đắt hơn nhưng lại có tuổi thọ cao gấp 3 lần tàu vỏ gỗ.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức thí điểm trước tại  Phú Yên, Khánh Hòa… khuyến khích ngư dân khai thác cá ngừ đại dương kết hợp chế biến bảo quản và xuất khẩu với giá trị lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, ngư dân sẽ được  vay 90% vốn để đóng tàu vỏ thép; đóng tàu vỏ gỗ được vay vốn 70%. Đặc biệt, chủ tàu được hỗ trợ vốn trực tiếp nên có quyền lựa chọn mẫu thiết kế tàu với chất liệu vỏ thép, gỗ hay composite phù hợp với nhóm ngành nghề vừa an toàn, tiết kiệm vừa phát triển kinh tế biển đạt hiệu quả cao nhất.

Ngư dân đang mong chờ những tàu vỏ thép để vươn khơi, bám biển

- Ngoài hỗ trợ vốn, Nghị định 67 có gì đột phá trong hỗ trợ ngư dân?

- Chính sách này ngoài việc giúp ngư dân tiếp cận với nguồn vốn cho vay ưu đãi, còn có cơ chế ưu đãi thuế. Đặc biệt ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, kỹ thuật khai thác, hướng dẫn sử dụng, thiết kế mẫu tàu, và duy tu bảo trì đối với tàu vỏ thép. Nếu chúng ta thực hiện tốt thì ngư dân sẽ rất được lợi.

-Việc chuyển sang đội tàu vỏ sắt đã rất cần kíp, vậy khi nào người dân có thể tiếp cận được sự ưu đãi này?

- Khi xây dựng Nghị định, các bộ phận soạn thảo đã đồng thời  xây dựng Thông tư hướng dẫn, và tiến hành quy hoạch tàu thuyền, điều tra nguồn lợi, thiết kế mẫu tàu. Chúng tôi cố gắng đến 25-8, Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT sẽ được ban hành. 

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu về mẫu tàu. Sẽ có 24 mẫu tàu vỏ thép cho 6 nhóm nghề với quy mô từng cỡ tàu và từng nghề, đảm bảo ngư dân được quyền chọn mẫu theo quy mô đầu tư, nghề phù hợp và đặt hàng doanh nghiệp đóng. Ngư dân có thể không đóng theo mẫu của Bộ NN&PTNT. 

Trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, sẽ dành 4.500 tỷ đồng để đóng tàu cho ngư dân, còn sẽ dành một phần kinh phí để bảo quản sau thu hoạch vì đây là vốn tín dụng, có chính sách ưu đãi khuyến khích bảo quản trong nông nghiệp. Đặc biệt, Nghị định 67 cũng đã tính đến việc bảo hiểm rủi ro cho ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển.