Hồ Gươm đã thay đổi như thế sau hơn 100 năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm trực tuyến tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”.

Với hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ trưng bày, triển lãm sẽ bắt đầu từ ngày 8/10/2021 tại website http://archives.org.vn và fanpage https://facebook.com/luutruquocgia1.

Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng.

Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.

Triển lãm được bố cục thành 3 phần: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Ở phần I, triển lãm sẽ đưa người xem chứng kiến sự thay đổi của Hồ Gươm trong suốt quãng chiều dài lịch sử đã qua. Trước khi Pháp bắt đầu khởi công các công trình kiên cố trên khu nhượng địa với một con đường xuyên khu (nay là phố Phạm Ngũ Lão) năm 1873, Hồ Gươm vẫn có dáng dấp của những ao hồ nông thôn.

Từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc qui hoạch thành phố Hà Nội. Chính quyền Pháp cho mở một con phố nối khu Nhượng địa với Trường Thi và Hoàng Thành cũ. Trong quá trình xây dựng, Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kì yêu cầu giữ lại khu vực quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này và phải dỡ bỏ tất cả nhà tranh trên phố Paul Bert.

Khung cảnh Hồ Gươm

Khung cảnh Hồ Gươm

Trong công cuộc chỉnh trang thành phố, Hồ Gươm đã tạo nên điểm khác biệt so với các đô thị kiểu mẫu phương Tây, mang đậm kiến trúc cảnh quan Á Đông. Hồ Gươm trở thành “giao lộ Đông - Tây”, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam, như nhận xét của André Masson: “Hồ Gươm ngày nay là một vòng trang sức của Hà Nội, là gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp”.

Phần II của triển lãm sẽ cho người xem thấy, Hồ Gươm đã được bảo tồn và gìn giữ trong suốt hàng trăm năm qua với nhiều chính sách được thực thi.

Sau khi nhậm chức năm 1884, Bonnal khẩn trương lên kế hoạch kiến thiết thành phố, trong đó có việc sửa sang hồ Gươm thành khu vui chơi giải trí, vạch một con đường rộng bao quanh hồ. Để giải quyết vấn đề này, toàn bộ các nhà tranh, đình, chùa, đền, miếu như: đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền vua Lê… đều bị phá bỏ trừ các công trình trên đảo Ngọc Sơn và Quy Sơn.

Việc làm này đã tạo nên làn sóng bức xúc không chỉ đối với người dân Hà Nội mà với một số quan chức Pháp. Trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương đã ký các Nghị định ngày 09/3/1900 và 15/4/1905 về việc bảo tồn các công trình lịch sử của thành phố Hà Nội (trong đó có đền Ngọc Sơn cùng đài Tháp Bút).

Quảng trường Hồ Hoàn Kiếm

Quảng trường Hồ Hoàn Kiếm

Năm 1925, theo Nghị định ngày 11/7 của Toàn quyền Đông Dương, bất cứ một công trình lịch sử, tín ngưỡng nào đã được xếp hạng muốn được sửa chữa đều phải do Sở Quốc gia Bảo tồn cổ tích đề nghị.

Sau năm 1937, Đốc lý Hà Nội ra Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng một số công trình lịch sử, tín ngưỡng ở Hà Nội. Theo đó, có công trình phải dỡ bỏ hoàn toàn, có công trình chỉ cắt bỏ một phần.

Ngày nay, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh. Ở đó, người ta có thể nhìn thấy cả một chiều sâu văn hóa lẫn nét kiến trúc độc đáo như: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, tháp Rùa, tháp Hòa Phong,...

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cái mất - cái còn, cái cũ - cái mới đã đan xen, hòa quyện tạo nên không gian văn hóa hồ Gươm.

Phần III của triển lãm một lần nữa khẳng định, Hồ Gươm -Trung tâm dịch vụ, văn hóa giải trí của Thủ đô và cả nước.

Theo đó, với mong muốn biến Hồ Gươm và vùng phụ cận trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí của Hà Nội, chính quyền Pháp đã xây dựng những dinh thự, cơ quan hành chính, công sở ở phía Đông Hồ Gươm.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, hãng buôn mọc lên xung quanh hồ, các phố Tây dần được hình thành. Các khu trung tâm vui chơi, giải trí kiểu Âu ra đời như: nhà hát Lớn, câu lạc bộ, bể bơi.

Chùa Báo Ân 1884

Chùa Báo Ân 1884

Đời sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội dần pha trộn yếu tố Tây hóa. Từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia) đến gu thưởng thức nghệ thuật đều có sự thay đổi.

Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai trí Tiến Đức. Xe điện đã trở thành phương tiện phổ biến và quen thuộc với người dân, hành khách chủ yếu là những người buôn bán.

Tầng lớp trung lưu, thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ, còn giới thượng lưu, trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào Khai trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại nhà Thủy Tạ bên Hồ.

Có thể nói, mãi đến nửa đầu thế kỉ XX, đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội mới có những biến đổi rõ rệt khi đã hình thành một tầng lớp viên chức và thị dân người bản xứ. Họ thay đổi cách ăn mặc, cách trang trí nhà cửa, cách giải trí và theo lối sống phương Tây.