Hình thức khác thường của bức thư bí mật mà cả thế giới đang bàn tán

ANTD.VN - Hình thức khác thường của bức thư bí mật mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận thế giới.

Hình thức khác thường của bức thư bí mật mà cả thế giới đang bàn tán ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bức thư đặc biệt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Được đựng trong chiếc phong bì với kích thước ngang một tờ báo, lá thư đặc biệt trên được cựu lãnh đạo tình báo Triều Tiên Kim Yong-chol, người đang nằm trong danh sách “đen” của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc và bị cấm đi lại tới Mỹ, trao tận tay cho ông Donald Trump trong cuộc gặp giữa hai người tại Nhà Trắng.

Kích thước khác thường của lá thư khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc, nhưng điều người ta quan tâm hơn chính là nội dung bên trong của nó. Không quá lời khi nói rằng đây là bức thư mà cả thế giới mong chờ vì nó mang thông điệp của lãnh đạo Triều Tiên gửi cho ông Donald Trump vào thời điểm khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang gặp trắc trở.

Trước đây vào dịp Thế vận hội mùa Đông hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng nhận được một bức thư với kích thước tương tự từ ông Kim Jong-un, bày tỏ mong muốn của nhà lãnh đạo Triều Tiên về một hội nghị liên Triều. Và lần này, thông điệp trong bức thư khác thường lần này cũng theo chiều hướng tích cực như vây.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không tiết lộ chi tiết nội dung bức thư của ông Kim Jong-un mà chỉ nói đó là một “bức thư rất thiện chí” và “rất thú vị” nhưng diễn biến sau đó theo đúng những gì mà dư luận thế giới mong đợi. Tuyên bố sau cuộc gặp với ông Kim Yong-chol, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hội nghị thượng đỉnh sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chắc chắn sẽ diễn ra.

Có thể thấy dù còn những nghi kỵ và bất đồng, Mỹ và Triều Tiên vẫn mong muốn có cuộc đối thoại ở cấp thượng đỉnh. Thực tế là khi thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh trong bức thư hôm 24-5, ông Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán bằng lời nhắn “ông Kim Jong-un đừng ngại ngần gọi điện hay viết thư cho tôi nếu đổi ý”. Ngay sau đó, ông Kim Jong-un cũng lập tức gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để tìm cách cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh với ông Donald Trump.

Căng thẳng Mỹ - Triều đã phần nào hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giờ đây, vướng mắc trong quan hệ Mỹ - Triều đã được tháo bỏ. Dù đánh giá tích cực nội dung bức thư của ông Kim Jong-un nhưng ông Donald Trump cũng thận trọng với những kỳ vọng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Ông chỉ dừng ở tuyên bố rằng, việc có thể khiến Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân sẽ “là một quá trình, nhưng các mối quan hệ đang được gây dựng và đó là điều rất tích cực”.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, tiến sĩ Hecker, giáo sư Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng điều tốt nhất nước Mỹ có thể hy vọng là một quá trình giải trừ hạt nhân được tiến hành theo từng giai đoạn, sau khi giải quyết trước hết những phần nguy hiểm nhất của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Theo ông Hecker, mấu chốt để tháo dỡ khu tổ hợp hạt nhân bao trùm trên một khu vực rộng lớn, có từ 6 thế kỷ trước, là phải “thiết lập một quan hệ khác với Triều Tiên, quốc gia mà nền tảng an ninh của họ còn dựa trên nền tảng một điều gì đó nữa chứ không chỉ là vũ khí hạt nhân”.

Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không phải là điều dễ dàng và có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, những động thái từ cả hai phía Mỹ và Triều Tiên là tín hiệu rõ ràng cho thấy kế hoạch hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 tại Singapore đã thực sự “trở lại đường ray”. Các cơ quan an ninh và lực lượng vũ trang Singapore hiện đã bắt đầu triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn cho cuộc gặp.