Hình mẫu điển hình về người Công an cách mạng!

(ANTĐ) - 89 mùa xuân đã trọn. Một điển hình về người Công an cách mạng vừa ra đi. Ông đã để lại cho những lớp công an hậu sinh một tấm gương sắc sảo về nghiệp vụ, tận tụy trong công việc, kiên quyết mà tình người. Ông là Trung tướng Trần Quyết, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong suốt 20 năm, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao 1 nhiệm kỳ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 3 khoá liên tục, rồi Bí thư Trung ương Đảng khoá VI.

Vĩnh biệt Trung tướng Trần Quyết:

Hình mẫu điển hình về người Công an cách mạng!

(ANTĐ) - 89 mùa xuân đã trọn. Một điển hình về người Công an cách mạng vừa ra đi. Ông đã để lại cho những lớp công an hậu sinh một tấm gương sắc sảo về nghiệp vụ, tận tụy trong công việc, kiên quyết mà tình người. Ông là Trung tướng Trần Quyết, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong suốt 20 năm, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao 1 nhiệm kỳ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 3 khoá liên tục, rồi Bí thư Trung ương Đảng khoá VI.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng đồng chí Trần Quyết Huân chương Sao vàng (ảnh chụp tháng 5-2007)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng đồng chí Trần Quyết Huân chương Sao vàng (ảnh chụp tháng 5-2007)

Trong hồi ức của mình, đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an - người đồng nhiệm của đồng chí Trần Quyết tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với anh Trần Quyết về tinh thần cách mạng tiến công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Chúng tôi đã rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, phải chủ động tiến công địch và bọn tội phạm khác; tiến công trong phòng ngừa, tiến công trong trấn áp; tiến công kiên quyết, triệt để, kiên trì thường xuyên. Tuy nhiên, mỗi lần mở đợt tiến công, cần có điều tra nghiên cứu, xác định rõ và đúng mục tiêu, đối tượng; tổ chức chỉ huy chặt chẽ, chú ý yếu tố bí mật, bất ngờ, để giành hiệu quả cao nhất”.

Đồng chí Trần Quyết (tên thật là Phạm Văn Côn), sinh năm 1922, tại thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 18 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1942, khi ông tròn 20 tuổi bị kẻ thù bắt và giam cầm tại nhà tù Nghĩa Lộ (Yên Bái). Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Hà Nam; rồi được Tỉnh ủy phân công phụ trách công tác quân sự và trị an.

Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi 21 tuổi thì năm 24 tuổi ông đã được tổ chức cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Điều đó khẳng định những phẩm chất, tư chất lãnh đạo của đồng chí được bộc lộ ngay từ thời thanh niên sôi nổi. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ và Trung ương Đảng xác định phải tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, do thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm cướp nước ta một lần nữa.

Đồng chí Trần Quyết nằm trong số các cán bộ được điều động đi xây dựng căn cứ địa kháng chiến, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La. Cũng ở miền Tây Bắc, ông được Trung ương giao đảm trách nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Giám đốc Công an khu Tây Bắc kiêm Trưởng ban Bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau Chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu,  đồng chí Trần Quyết trở thành vị chỉ huy nổi tiếng trong những chiến dịch tiễu phỉ, truy bắt các toán gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy. Cái nghiệp công an như vận vào ông, bởi tiếp sau cương vị Giám đốc Công an khu Tây Bắc, Phó Bí thư Khu ủy Tây Bắc là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an vũ trang.

Cũng cần nhắc lại bối cảnh từ tháng 3-1959 đến đầu thập niên 80, Công an nhân dân vũ trang là một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an. Để việc lãnh đạo, chỉ huy lực lượng này được thống nhất và kịp thời, khoảng cuối năm 1977, lãnh đạo Bộ cử đồng chí sang kiêm hai chức: Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh CAND vũ trang. Ngay sau đó, ông được Chính phủ phong hàm Trung tướng... Vị tướng ấy đã tham gia chỉ đạo phá các vụ án lớn: Tiễu phỉ ở Tây Bắc, truy quét fulro, hạ màn trò hề của tàu Thương Tín...

“Khi về Bộ Tư lệnh CAND vũ trang, lần xuất tướng đầu tiên, ông làm Trưởng đoàn đi kiểm tra một chặng đường biên cương phía Bắc của Tổ quốc - từ Quảng Ninh đến tận điểm mút tỉnh Lai Châu” - người thư ký giúp việc của Tư lệnh kiêm Chính ủy năm ấy nhớ về đồng chí Trần Quyết.

 “Khỏi phải nói đường biên giới dã chiến lúc bấy giờ cực kỳ gian khổ, vất vả! Thác ghềnh. Đèo dốc… Những chiếc xe U-oát nhồi vo chúng tôi hết cỡ. Ấy vậy mà ông, dù ở ngưỡng tuổi sáu mươi, phong thái vẫn ung dung, nhẹ tênh, khi cần đi bộ, đi rất nhanh, leo dốc rất dẻo, phăm phăm trên đồn biên phòng hay lên điểm chót cao ngân ngất.

Ông nghe tình hình chung, hỏi kỹ những vấn đề cần xử lý linh hoạt trong phương án chiến đấu và có ý kiến chỉ đạo những việc phải bổ sung ngay trong tình hình diễn biến rất phức tạp. Cũng chính ông  giữ vai trò rất quan trọng trong việc chỉ huy giải quyết mọi vấn đề gay cấn, phức tạp và tế nhị tại Cây số không…”.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trao tặng ông Huân chương Sao vàng  - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta thì: “Đồng chí Trần Quyết luôn là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tận tụy trong công việc, kiên quyết đấu tranh và đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, xây dựng nền pháp chế XHCN và sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước vững mạnh”.

Ấy là một ngày đầu hè năm 2007. Những người đồng chí, đồng đội của ông được chứng kiến lễ trao tặng Huân chương cao quý còn mừng hơn vì con cháu ông cũng theo nghiệp công an. Trong 4 người con đã trưởng thành và đều là cán bộ của Nhà nước, có người mang quân hàm sỹ quan công an cấp tướng.

Xin vĩnh biệt ông, một mẫu người Công an cách mạng chân chính!

Nguyễn Hải Minh