Hình ảnh đầu tiên của tên lửa Triều Tiên sắp phóng

ANTĐ - Các phóng viên quốc tế lần đầu tiên được tận mắt thấy tên lửa mà Triều Tiên đã gắn lên bệ phóng để chuẩn bị để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trong vài ngày tới.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên đã được đặt lên bệ phóng
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên đã được đặt lên bệ phóng hôm 8/4. Nó có chiều dài 30 m và đường kính 2,5 m. Ảnh: AFP.


AFP 
đưa tin các phóng viên quốc tế được phép quan sát quá trình chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh nhân tạo quan sát trái đất tại Trạm Vệ tinh Sohae ở phía tây bắc Triều Tiên. Sau đó họ đưa đoàn phóng viên tới Trung tâm Vũ trụ Tongchang-ri bằng tàu hỏa đặc biệt để chứng minh tên lửa Unha-3 không phải là tên lửa đạn đạo như cáo buộc của Mỹ và các nước đồng minh.

Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho phép phóng viên nước ngoài tới Trung tâm Vũ trụ Tongchang-ri, nơi nằm cách biên giới Trung Quốc khoảng 50 km. Đoàn phóng viên được quan sát tên lửa Unha-3 từ khoảng cách chừng 50 m. Tên lửa được phủ lớp sơn màu trắng cùng những chữ màu xanh dương. Nó có chiều cao 30 m và đường kính 2,5 m.

Phóng viên cũng được xem vệ tinh nhân tạo Kwangmyongsong-3. Đó là một vật thể có dạng hình hộp với khối lượng 100 kg. Vệ tinh có 5 ăng-ten và các tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện.

"Thật vô lý khi người ta nói rằng chúng tôi sắp thử tên lửa đạn đạo. Vụ phóng vệ tinh sắp tới đã được lên kế hoạch từ rất lâu để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Kim Nhật Thành. Chúng tôi không thực hiện vụ phóng với mục đích khiêu khích", ông Jang Myong-jin, giám đốc Trung tâm Vũ trụ Tongchang-ri, phát biểu.

Bình Nhưỡng từng thông báo Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo từ ngày 12 tới 16/4 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Giới chức Triều Tiên khẳng định Kwangmyongsong-3 sẽ quan sát hành tinh, thu thập dữ liệu về rừng và tài nguyên trên lãnh thổ Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác cho rằng vụ phóng vệ tinh chỉ là bình phong nhằm che đậy ý định thử tên lửa đạn đạo.

Để đối phó vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, quân đội Nhật Bản đã triển khai tên lửa đánh chặn ở vùng thủ đô Tokyo và trên biển hôm 7/4. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã cho phép quân đội bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ.

Nhưng ông Jang Myong-jin nói rằng các nước không cần phải tỏ ra lo lắng quá mức.

"Chúng tôi có thể nhấn nút để hủy tên lửa. Một thiết bị trong tên lửa có thể đánh giá nó đã bay ra ngoài phạm vi dự kiến chưa. Thiết bị sẽ tự kích hoạt chế độ hủy nếu tên lửa bay chệch hướng", ông Jang giải thích.

Jang tuyên bố Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa mạnh hơn. Chúng có thể đưa vật có khối lượng 400 tấn lên vũ trụ, lớn hơn nhiều so với sức đẩy 91 tấn của Unha-3.