Hiểu rõ sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine

ANTĐ - Theo kết luận chính thức của Bộ Y tế, 3 trẻ ở Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B mới đây là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Về mặt chuyên môn y tế, nguyên nhân gây ra tử vong ở 3 trẻ là sốc phản vệ, còn chất nào gây ra sốc phản vệ là gốc vấn đề sẽ phải tìm hiểu rất lâu, chỉ những phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới cùng tìm hiểu vấn đề di truyền của trẻ mới có thể kết luận được. Vậy sốc phản vệ là gì, cách phòng, chống như thế nào?

Hiểu rõ sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine ảnh 1
Sau khi tiêm phòng, các bậc phụ huynh cần để ý các biểu hiện bất thường của trẻ
 (Ảnh minh họa)


Sốc phản vệ là gì?

Theo định nghĩa chuyên môn, sốc phản vệ là tình trạng lâm sàng xuất hiện đột ngột do hậu quả của sự kết hợp kháng nguyên với các thành phần miễn dịch IgE trên bề mặt tế bào ưa kiềm và các đại thực bào gây giải phóng các chất như histamin, leukotrienes và các  hoá chất trung gian khác. Hậu quả của tình trạng này là tăng tính thấm thành mạch, giãn mạch, co thắt các cơ trơn tiêu hoá, hô hấp gây ra bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ. Sốc phản vệ có tiên lượng tử vong rất cao. Còn nếu nói theo lối dân dã thì sốc phản vệ là tình trạng dị ứng toàn cơ thể cấp tính. Khi có một chất lạ xâm nhập cơ thể, ví dụ như vaccine, nếu cơ thể không chấp nhận nó sẽ huy động toàn bộ cơ thể chống lại gây ra tình trạng dị ứng và nếu chất lạ xâm nhập nhanh vào máu sẽ gây ra tình trạng cấp tính. Độ nặng của sốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá thể, số lượng và tốc độ hấp thu các kháng nguyên. Ngoài ra mức độ nặng của sốc phản vệ còn phụ thuộc vào thời gian và thái độ xử trí đúng. Nhà bác học Richer (1850-1935) là người tìm ra cơ chế của sốc phản vệ và được tặng thưởng giải Nobel năm 1913. 

Trong trường hợp 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, sau khi loại trừ khả năng bệnh lý, Bộ Y tế đã xác nhận các trẻ tử vong do sốc phản vệ, nghĩa là xác nhận vaccine viêm gan B là kháng nguyên, là chất gây ra sốc phản vệ. Vì vậy Bộ Y tế phải gửi mẫu lô vaccine này đến những phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới để kiểm nghiệm tìm kháng nguyên gây ra sốc phản vệ. 

Triệu chứng và phác đồ cấp cứu

Ngay sau khi tiếp xúc với kháng nguyên, bệnh nhân có cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện sau: Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay,phù Quincke. Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được. Thở dốc kiểu hen, nghẹt thở; Đau quặn bụng, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ; Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; Choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật. Dị ứng cấp tính được chia làm 4 mức độ: Độ 1: sốt, đỏ da toàn thân, nổi mề đay: Độ 2: Buồn nôn, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, khó thở. Độ 3: Sốc, co thắt phế quản. Độ 4: Ngừng tim, ngưng thở .

Các triệu chứng trên xuất hiện đột ngột trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất lạ, đối với sốc phản vệ do phản ứng thuốc hay tiêm vaccine dưới 5 phút nếu tiêm tĩnh mạch, từ 5-20 phút nếu tiêm bắp, 30 phút nếu qua đường uống. Vì vậy sốc phản vệ được quy định là cấp cứu tại chỗ, nghĩa là ngay lập tức. Bộ Y tế cũng quy định khi tiêm vaccine phải chuẩn bị sẵn túi cấp cứu chống sốc phản vệ.

Theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế quy định tại Thông tư 08/1999/BYT: Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân sốc phản vệ, đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, ngừng ngay đường tiếp xúc với kháng nguyên, tiêm Adrenaline theo các mức độ sốc phản vệ. Cùng với việc tiêm thuốc cần xử lý triệu chứng như xử lý suy hô hấp bằng cách cho thở ô xy, đặt nội khí quản… tùy khả năng, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để khẩn cấp đưa các loại thuốc vào cơ thể. Tuy nhiên phác đồ từ năm 1999 chủ yếu vẫn sử dụng Adrenaline. Gần đây do có nhiều tiến bộ kỹ thuật; tại bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng nhiều phác đồ hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân sốc phản vệ. Những phác đồ mới sử dụng các loại thuốc như: Epinephrin, các corticoid và các thuốc kháng histamine…

Sốc phản vệ xảy ra rất nhanh, tính bằng phút bằng giây. Phải có sẵn hộp chống sốc phản vệ, kiểm tra thường xuyên, không để thuốc hư hỏng, đặc biệt là loại có chỉ định bắt buộc, đầu tiên như epinephrin. Cần biết rõ triệu chứng sốc phản vệ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Riêng điều dưỡng viên, người trực tiếp xử lý thì phải thuần thục. Không chuẩn bị sẵn sàng, xử lý chậm trễ, thao tác lóng ngóng... sẽ dẫn đến tử vong.