Hiệp định RCEP giúp hàng Việt Nam vào Nhật Bản, Australia... thuận lợi hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ RCEP

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ RCEP

Nói về lợi ích kinh tế đối với Việt Nam do Hiệp định RCEP mang lại, ông Lương Hoàng Thái cho biết, sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình.

Đối với các cam kết thuế quan, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế.

Do đó, ưu đãi về thuế nhập khẩu của các thị trường tham gia RCEP sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như: viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Đặc biệt, với lợi thế là nước xuất khẩu thủy sản lớn, trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, trong khi nhu cầu về mặt hàng này của các nước trong RCEP lại cao, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Không những thế, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết trở thành dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia.

Một tiến trình hợp tác, liên kết cùng phát triển mới đang mở ra với 15 nền kinh tế tham gia RCEP khi tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

“Hiệp định này thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam”- ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây.

Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, Hiệp định RCEP được cho là sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, thời gian thực hiện cam kết giảm thuế của RCEP dài nên Việt Nam sẽ tránh được cú sốc về giảm thuế.

Tuy vậy, RCEP cũng đặt ra không ít thách thức với Việt Nam, buộc doanh nghiệp phải nắm rõ các cam kết, các quy tắc của Hiệp định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm giải quyết vấn đề nguyên liệu nhập khẩu để được hưởng ưu đãi từ hiệp định.