Hiếp dâm, giết người rồi tự sát: Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã xảy ra một số vụ án hiếp dâm, giết người nhưng đối tượng thực hiện hành vi sau đó đã tự sát. Nhiều người đặt câu hỏi, trong trường hợp này vụ án có bị đình chỉ, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân?

Mới đây tại huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An, một nữ sinh lớp 6 ở xã Tiền Phong đã bị ông P.H (SN 1952) - bảo vệ trường học xâm hại dẫn đến mang thai. Tại cơ quan công an, ông ta đã thú nhận hành vi của mình đối với bé gái. Tuy vậy, theo thông tin mới nhất, nghi phạm đã tử vong. Hiện Công an huyện Quế Phong tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Phiếu siêu âm thai được cho là của nữ sinh lớp 6 bị xâm hại

Phiếu siêu âm thai được cho là của nữ sinh lớp 6 bị xâm hại

Trước đó, trong nhiều vụ án mạng do cuồng ghen, nghi phạm sau khi giết người tình và tình địch cũng đã có hành vi tự đâm vào người mình, uống thuốc sâu hoặc treo cổ tự sát.

Cách đây không lâu, gia đình ông Lê Văn L (SN 1960) ở phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là chủ nhà trọ phát hiện hai thi thể nữ là N.T.N (SN 2000, trú Sóc Sơn, Hà Nội), là người thuê trọ. Thi thể nam là Phạm Văn Nhi (SN 1995, trú xã Tân Lập, Đầm Hà, Quảng Ninh).

Qua khám nghiệm, chị N bị nhiều vết dao đâm ở ngực và lưng dẫn đến tử vong. Nhi chết trong tư thế treo cổ. Ngoài ra trong phòng có bình gas 12kg đang mở, cửa phòng được chốt trong.

Nguyên nhân dẫn đến vụ trọng án trên là do giữa chị N và Phạm Văn Nhi có quan hệ yêu đương, vì mâu thuẫn tình cảm nên Nhi đã sát hại chị N rồi tự tử.

Nhìn nhận các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 157 Bộ luật TTHS 2015 quy định, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác…

Như vậy, trong các vụ việc có một người duy nhất là hung thủ và có kết luận là người này đã chết mà không cần tái thẩm đối với người khác thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không khởi tố vụ án hình sự.

Về trách nhiệm bồi thường với nạn nhân trong trường hợp nghi phạm đã tử vong, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, những người hưởng thừa kế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thay.

Cụ thể, với trường hợp nữ sinh bị xâm hại dẫn đến mang thai, về nguyên tắc, người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho nạn nhân bị xâm phạm.

Theo BLDS 2015, các khoản phải bồi thường gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...

Do kẻ thực hiện hành vi đã chết nên theo Điều 615 BLDS 2015, những người hưởng thừa kế của đối tượng này phải có trách nhiệm bồi thường những khoản trên.

Cụ thể, nếu nghi phạm để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nghi phạm đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.

Trong trường hợp đứa bé được sinh ra và còn sống, thì bên cạnh nghĩa vụ bồi thường như trên, gia đình của đối tượng thực hiện hành vi xâm hại còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa bé - Luật sư Hồng Vân nhận định.