Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hơn trăm năm mới có 1 lần.

ANTĐ -Hiện tượng sao Kim đi ngang qua mặt trời dự đoán sẽ diễn ra vào khoảng 5 giờ sáng mai (6-6).

Vào 5 giờ 30 phút sáng 6-6, những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng một hiện tượng vô cùng kỳ thú và hiếm gặp nhất thế kỷ, đó là hiện tượng sao Kim đi ngang qua mặt trời. Hiện tượng này bắt đầu từ lúc mặt trời mọc đến khoảng giữa trưa, đây là cơ hội hiếm hoi trong đời người được quan sát hiện tượng này. Và phải sau 105 năm nữa, tức là năm 2117, hiện tượng này mới được lặp lại.

Hiện tượng kỳ thú của thiên văn

Trao đổi với anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn không chuyên ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện tượng trên có tên khoa học là Venus transit. Khi sao Kim - hành tinh song sinh và có quỹ đạo nằm trong quỹ đạo của trái đất - đi vào giữa trái đất và mặt trời cũng giống như nhật thực. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa trái đất và sao Kim khá xa nên khi hiện tượng xảy ra người xem thấy hành tinh này hiện ra như một chấm đen tròn nhỏ lướt từ từ qua đĩa sáng của mặt trời.

Hiện tượng kéo dài trong khoảng hơn 6 giờ đồng hồ. Nhiều nước trên thế giới có thể quan sát được hiện tượng này như các nước thuộc khu vực Đông Á, châu Đại dương, Thái Bình Dương, một phần Bắc Mỹ quan sát được toàn phần quá trình kể từ khi sao Kim bắt đầu đi vào và đi ra khỏi đĩa mặt trời.

Tại Việt Nam, mặc dù không quan sát được quá trình đi vào đĩa mặt trời của sao Kim, nhưng những người yêu thiên văn sẽ xem được các diễn biến tiếp theo cho đến tận khi sao Kim ra khỏi mặt trời.

Để an toàn cho mắt khi quan sát hiện tượng này, người quan sát không được nhìn trực tiếp vào mặt trời bằng mắt thường. Ống nhòm hay kính thiên văn hoặc các thiết bị tự chế sẽ gây tổn thương cho mắt. Cách an toàn và đơn giản nhất là quan sát gián tiếp mặt trời bằng cách sử dụng kính lọc đeo mắt, phim lọc mặt trời cho kính thiên văn hay một tấm bìa có lỗ nhỏ để chiếu hình ảnh Mặt Trời lên một màn ảnh.