Hết tâm lý ỷ lại

ANTĐ - Giảm nghèo ở nước ta hiện nay chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Ngành LĐ-TB&XH chỉ ra một thực trạng “ba ra – một vào”, tức là cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong chương trình truyền hình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” cho biết, có địa phương đã thay nhau “quay vòng” để nhận hỗ trợ hộ nghèo. Thậm chí, có lãnh đạo huyện “hồ hởi” thông báo năm nay huyện... được thêm 2 xã nghèo. Nếu không có những điều chỉnh chính sách trợ giúp người nghèo phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định, thì giảm nghèo bền vững vẫn là bài toán nan giải. 

Khẳng định những thành quả công tác giảm nghèo, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, những năm qua nước ta chỉ mới giảm nghèo ở những phần dễ nhất. Phần khó là “lõi nghèo” vẫn nằm sâu bên trong. Một thực tế đáng quan tâm thái độ trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước vẫn còn không ít, xuất hiện cả trong tư tưởng của cán bộ, lãnh đạo địa phương.

Theo quy định, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn, miễn giảm học phí, được giảm tiền nhà nếu phải thuê, mua. Theo đó, chính quyền thôn bản tổ chức bình xét công khai hộ nghèo, có sự tham gia của cấp ủy và các đoàn thể. Chính sách đúng đắn, nhưng thực thi theo kiểu “xoay vòng” dẫn đến nghèo thật và nghèo giả rất khó kiểm soát. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư trực tiếp cho giảm nghèo chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là các công trình điện đường, trường, trạm. Do đó, nhiều nội dung giảm nghèo chưa được đáp ứng, có những chính sách chỉ thỏa mãn 30% nhu cầu của người nghèo. Đáng chú ý, chỉ tiêu giảm nghèo hiện chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Tỷ lệ lao động hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề quá thấp. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa bàn khó khăn được sử dụng bảo hiểm y tế hạn chế so với các khu vực khác. Đối tượng người cận nghèo mua bảo hiểm mới đạt 25%, còn khoảng 50% số xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn, khả năng tiếp cận giáo dục còn khoảng cách khá lớn. 

Nhằm giảm nghèo bền vững, theo Bộ LĐ-TB&XH, cần phải xóa dần chính sách “cho không”, chuyển sang hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo làm ăn, sản xuất để có thu nhập thường xuyên. Không có nguồn lực hỗ trợ nào bằng chính ý thức, nội lực tự vươn lên thoát nghèo, hết tâm lý ỷ lại của 1,8 triệu hộ nghèo.