Hé lộ dấu tích quý giá tại "kinh đô phong trào Cần Vương"

ANTĐ - Đợt thăm dò, khai quật khảo cổ di tích thành Tân Sở (xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) từ 12/8/2011 đến nay, đã phát hiện thêm nhiều dấu tích và di vật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phác hoạ diện mạo, cấu trúc đầy đủ của thành Tân Sở xưa.
Hé lộ dấu tích quý giá tại "kinh đô phong trào Cần Vương" ảnh 1
Khai quật hố H2B

Từ một công trình thành luỹ quân sự dã chiến, được phái chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1883 do nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Pháp để làm căn cứ phòng bị cho kinh thành Huế khi thất thủ, Tân Sở đã nhanh chóng trở thành “kinh đô kháng chiến”, “trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” kể từ khi Dụ Cần Vương được ban bố ngày 13/7/1885. Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, căn cứ/thành Tân Sở là nơi chứng kiến những ngày bi hùng của dân tộc, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong phong trào lãnh đạo dân tộc chống ngoại xâm. Tân Sở là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa của phong trào yêu nước chống Pháp những năm cuối thế kỷ XIX.

Thành Tân Sở và phong trào Cần Vương có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc như vậy nhưng việc nghiên cứu về toà thành này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ và còn quá nhiều tồn nghi. Đặc biệt là về diện mạo, quy mô, cấu trúc, cách thức, kỹ thuật xây dựng... còn có nhiều quan điểm chưa đồng nhất. Do bị quân Pháp san bằng ngay sau khi chiếm được Tân Sở (ngày 19/9/1885) và nhất là quân đội Mỹ xây dựng căn cứ những năm 60, thế kỷ XX nên các dữ liệu đầy đủ và chính xác từ thực địa về thành Tân Sở còn lại khá mơ hồ; trong khi những tư liệu nghiên cứu trước đây lại không thống nhất nên nhiều ý kiến vẫn băn khoăn và hồ nghi.

Những mô tả về diện mạo, quy mô, hình dáng, kích thước không giống nhau đã làm nhiều nhà nghiên cứu hiện tại rất khó trong việc tiếp cận các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, sử dụng và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của di tích trong hiện tại và tương lai. Vì thế việc nghiên cứu để làm sáng tỏ và đi đến thống nhất những vấn đề về diện mạo kiến trúc Thành Tân Sở- “kinh đô kháng chiến” của phong trào Cần Vương giúp cho việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di tích, góp phần vào việc giáo dục truyền thống và xây dựng, phát triền kinh tế xã hội là rất cần thiết không chỉ trong khoa học mà cả trên cả phương diện thực tiễn.

Dàn thần công được phát hiện ở hố H2D

Tại Hội thảo khoa học về “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” tổ chức tại Cam Lộ ngày 13/7/2010, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý đã đặt ra vấn đề là cần tổ chức nghiên cứu để xác định lại một cách tiệm cận hơn về diện mạo, quy mô, hình dáng, kích thước của toà thành, nhất là hình dạng, cấu trúc, số đo của các vòng thành, bờ luỹ và định vị một cách cụ thể trên thực địa. Đồng thời tổ chức khai quật khảo cổ di tích thành Tân Sở để nghiên cứu những gì còn lại từ trong lòng đất nhằm xác định về vị trí các tường thành (nội, ngoại), các công trình kiến trúc bên trong (cột cờ, giếng nước, Tiền đường, Sơn phòng đường, Phó sứ đường, Hậu đường)...

Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ trên diện rộng thành Tân Sở sẽ giúp cho việc xác định quy mô, cấu trúc, hình dạng, kích thước, vật liệu... vòng thành, cửa thành, các kiến trúc cung đình, dinh thự cùng các di vật có liên quan để tạo cơ sở về khoa học và pháp lý cho công tác quy hoạch, đầu tư, tôn tạo sau này.

Ông Lê Đức Thọ, Phó GĐ Bảo tàng Quảng Trị cho biết: Sau một thời gian dài nghiên cứu, dựa trên 2 nguồn tư liệu của 2 nhà nghiên cứu người Pháp là Pirey và Delraux cùng với những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Việt Nam về Tân Sở, đã phần nào định vị được một cách chính xác các công trình liên quan đến thành Tân Sở như: thành ngoại, thành nội, hành cung, cột cờ, giếng nước, cổng thành... trên thực địa. Và bắt đầu từ ngày 12/8/2011, Bảo tàng Quảng Trị phối hợp với khoa Lịch sử, Trường Đại học khoa học Huế tổ đã tiến hành chức thăm dò và khai quật trên diện tích thực địa là 190m2. Đợt khai quật này được thực hiện trên 2 hố đào thám sát. Hố đào 1 với diện tích 40m2, mục đích là để thăm dò thành nội được xây dựng bằng gạch hay đất. Kết quả hố đào này chỉ thấy toàn bộ là đất, không phát hiện gạch nên có thể nhận định bước đầu khả năng thành nội được xây bằng đất.

Đường gạch vồ phát lộ trong hố H2A

Hố khai quật thứ 2 có diện tích là 128m2, có ý nghĩa quan trọng hơn và đã được ký hiệu điểm hố theo thứ tự là: H2A, H2B, H2C, H2D. Việc khai quật hố này được thực hiện dựa trên cơ sở phát hiện những viên gạch vồ, ngói vỡ vụn trên mặt đất. Sau một thời gian ngắn tiến hành khai quật, đội khai quật đã ngạc nhiên khi hố đào bắt đầu hé lộ những dấu tích quý giá.

Đó là việc phát lộ những hàng móng cột, những móng cột này cách nhau đều một phía là 3m. Những móng cột này được người xưa dùng gạch ngói lu lèn thành nền, sau đó dựng cột lên trên. Điều này chứng tỏ có một công trình kiến trúc mà ở trên đó dựng một hệ thống khung gỗ chịu lực; bên trên có thể được lợp bằng ngói hoặc tranh.

Tại hố đào H2B và H2C với diện tích khai quật là 18m2, quá trình khai quật đã phát hiện ra một hố móng có diện tích dài 8,4m, rộng 1,8m được xây bằng gạch vồ. Trong quá trình đào, hầu hết gạch vồ được phát hiện đều đã vỡ vụn, chỉ duy nhất 1 viên còn nguyên vẹn. Bước đầu nhận định, đây có thể là dấu vết của một hệ thống công trình kiến trúc khá hoàn chỉnh; cụ thể đó là hệ thống một bức tường thành hoặc một phía của cổng thành.

Cũng trong hố này còn phát hiện thêm nhiều đạn thành công, đạn chì (bằng đầu ngón tay) nằm lẫn lộn với những mảnh gạch vỡ. Hố đào H2D với diện tích 8m2 phát hiện thêm những lớp gạch vỡ được xếp chồng lên nhau, đặc biệt là phát hiện một viên đá táng (đá tổ ong) kê chân cột; ngoài ra còn phát hiện thêm một số đạn thành công. Số dấu vết và di vật này cũng được nhận định rằng đây có thể là số gạch, ngói bị vỡ ra từ một bộ phận của công trình kiến trúc nào đó.

Theo đánh giá của Thạc sĩ Lê Đức Thọ: Toàn bộ những dấu vết và di vật được phát hiện trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó phần nào hé lộ thêm nhiều điều chưa biết về toà thành Tân Sở xưa. Những phát hiện này càng tạo thêm được những niềm tin để triển khai tiếp đợt khai quật thứ hai sẽ diễn ra trong tháng 9 này. Theo dự kiến, đợt khai quật thứ 2 sẽ được tiến hành ở bên trong khu vực giả định là trung tâm của thành nội Tân Sở như: Tiền đường, Hậu cung, Hành cung, nhà quan Chánh...