Hành trình vượt núi, mang chữ đến vùng cao 

(ANTĐ) - Với chủ đề Giáo viên vùng cao, khách mời của chương trình Khi người ta trẻ tháng 11 sẽ là thày giáo Nguyễn Năng Khải -trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và cô giáo Ngần Thị Minh Hiếu, giáo viên trường THCS Thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

"Khi người ta trẻ" tháng 11:

Hành trình vượt núi, mang chữ đến vùng cao 

(ANTĐ) - Với chủ đề Giáo viên vùng cao, khách mời của chương trình Khi người ta trẻ tháng 11 sẽ là thày giáo Nguyễn Năng Khải -trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và cô giáo Ngần Thị Minh Hiếu, giáo viên trường THCS Thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Chương trình sẽ được phát sóng lúc 20h ngày 16/11/2008 trên kênh VTV6 và phát lại trên VTV3 vào dịp 20/11. Đây là chương trình do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN thực hiện.

Nội dung chương trình là câu chuyện dài, bắt đầu từ năm 1959, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, lớp thanh niên  miền xuôi đầu tiên đã tình nguyện lên vùng cao, bắt đầu hành trình cõng chữ lên non đầy thử thách. Anh hùng lao động đầu tiên của ngành giáo dục là một đại diện trong lớp trẻ ngày ấy: thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, người đầu tiên lên Mù Cả, Lai Châu.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những dấu chân thầm lặng của các giáo viên in dấu trên những con đường mòn, khắp các con dốc, mọi đỉnh núi có người dân sinh sống. Không chỉ là những cán bộ trong ngành giáo dục, giáo viên vùng cao như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Không chỉ có trách nhiệm đứng lớp, giáo viên vùng cao phải lội suối, trèo đèo, cùng lao động với bà con để vận động học sinh đến trường. Các giáo viên đã chia sẻ từ bữa cơm, tấm chăn mỏng và đặc biệt là tấm lòng mình cho vùng cao.

Vùng cao đã trở thành nơi thử thách lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, là quê hương thứ hai của giáo viên từng gắn bó với nơi này. Những câu chuyện cảm động về những người giáo viên vùng cao sẽ được chia sẻ với các nội dung: lựa chọn con đường “cõng chữ lên non”, góc nhìn của người thân khi trong nhà có người dạy học ở vùng cao, những hi sinh thầm lặng của các thầy cô, chuyện tình yêu, những lý do đã và đang níu chân rất nhiều giáo viên gắn bó với vùng cao...

Không chỉ có những câu chuyện xưa, "Khi người ta trẻ" đề cập trực diện tới những người "cõng chữ lên non" ngày nay và tạo cơ hội cho những "giáo viên quả cảm" này nói lên những tâm tư của mình. Đó là thầy giáo Nguyễn Năng Khải, 45 tuổi, có thâm niên 25 năm gắn bó với nghề dạy học ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Và cô giáo trẻ Ngần Thị Minh Hiếu đã 3 năm dạy học ở Mai Châu, Hòa Bình.

Thầy Khải là giáo viên miền xuôi, lên công tác tại Hà Giang năm 20 tuổi. Khi ấy Hà Giang còn có những vùng chưa có đường quốc lộ như bây giờ, chủ yếu là đi bộ. Ngày đầu tiên từ huyện về xã, người dân đã mang ngựa để đón thầy, đi bộ tới 38 km. Khi tới trường, việc đầu tiên là tìm hiểu học sinh ở nơi này. Thầy Khải đã tới thăm nhà các em, làm các việc như thái cỏ ngựa, làm cỏ lúa, đi cấy, xay ngô để vừa trao đổi với phụ huynh, vừa học ngôn ngữ dân tộc...

Còn cô giáo Ngần Thị Minh Hiếu, 23 tuổi, vốn là người dân tộc Thái, mới có hơn 3 năm dạy học ở trường THCS Pù Bin, thị trấn Mai Châu, Hòa Bình. Câu chuyện về những ngày đầu tiên đi dạy học của cô giáo dân tộc Thái thật thú vị. Minh Hiếu kể: do đường xa quá khó đi, các thầy cô vừa đi vừa chặt cây dọn đường, điều kiện trường lớp quá đơn sơ, Hiếu đã khóc òa khi về nhà. Được gia đình động viên, Hiếu đã tiếp tục công việc dạy học ở Pù Bin. Dù là dạy THCS nhưng có một số học sinh ở lớp chưa biết chữ, Hiếu đã dạy kèm trong một thời gian dài. Khi các em biết đọc, Hiếu cảm thấy rất vui. 

Hiện cô giáo Hiếu mới chuyển về trường THCS thị trấn Mai Châu vì điều kiện sức khỏe, nhưng Hiếu tâm sự: sau này khi quay trở lại các trường ở xa, sẽ vẫn chọn Pù Bin, vì ở nơi ấy có những em học sinh rất yêu quý các thầy cô giáo.

Phú Duy