Hành trình của nước mắt và nụ cười

ANTĐ - Tháng 3-2012, tròn 20 năm kể từ ngày đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam cùng Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngôi nhà chung của tình hữu nghị, hợp tác và phát triển văn học. Kỷ niệm sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt này, một cuộc hội thảo mang tên: “Diễn đàn văn học Việt - Mỹ: Nhìn lại và phát triển” được tổ chức tại cố đô Huế. Một số hoạt động gắn liền với hội thảo: đưa cựu binh hai nước về thăm lại chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thăm thành cổ Quảng Trị, trở lại Làng Vây, sân bay Tà Cơn… 

 Và dường như mọi khoảng cách về địa lý, thời gian, sự trái ngược trong quan điểm đều bị xóa nhòa. Giữa họ, những nhà văn Mỹ và những nhà văn Việt Nam giờ đây chỉ có tình bạn. Trong cuộc hội thảo dữ dội và kì thú ấy, hai bên đã nói với nhau bằng ngôn ngữ của những người lính nói với những người lính, để cuối cùng vỡ òa ra một nhận thức chung là không để bỏ lỡ mất cơ hội của thiện chí…”.  Còn nhà thơ Kevin Bowen - Tiến sỹ văn chương, cựu Giám đốc Trung tâm W. Joiner đã thốt lên: “Đó là một chặng đường tuyệt vời. Có thật nhiều điều để chúng ta chúc mừng. Đầu tiên tôi muốn chúc mừng cuộc đời của mỗi người có mặt tại đây… Các bạn, những người bạn lính của tôi, những người bạn văn dũng cảm của tôi, mong các bạn biết rằng mặc dù các bạn không bao giờ nhìn thấy cánh tay của tôi giơ lên, nhưng hãy biết rằng mỗi ngày, mãi mãi về sau, tôi sẽ giơ tay chào các bạn theo kiểu nhà binh”.

Kết thúc một ngày hội thảo, hôm sau các cựu binh cùng nhau trở lại Quảng Trị, nơi 20 năm trước đã diễn ra trận chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm trên thành cổ. Vừa dừng xe phía ngoài cổng thành, trời chợt mưa nặng hạt hơn dù một ngày trước đó Quảng Trị nắng nóng tới gần 30 độ C. Những mái tóc bạch kim và mái đầu điểm bạc của gần 40 người lính cũ chụm lại dưới chiếc ô mua vội. Tất cả lặng im đi bên nhau, bước chân không dám đặt mạnh, bởi trong lòng mỗi người đều nhói lên một nỗi xót xa: di tích này đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của đồng đội mình. Nhà thơ, dịch giả Carolyn Forché – người đã tích cực hoạt động trong phong trào phản chiến, đã khóc òa ngay trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị khi nhìn những tấm ảnh trưng bày ở đó. Không ai có thể cầm lòng được khi hình dung những nụ cười trẻ trung, những ánh mắt trong veo kia đã vĩnh viễn hóa thân vào đất, vào cây, vào từng cơn gió buốt lạnh thổi về như nhắc nhở… Nhà thơ Kevin Bowen cố kìm nước mắt để miêu tả lại cho những người bạn trẻ Việt Nam sinh ra sau những năm hòa bình về một thành cổ Quảng Trị hoang tàn gạch đá và khói súng trong kí ức chiến tranh. 

Rời thành cổ Quảng Trị, đoàn nhà văn tiếp tục đến nghĩa trang Trường Sơn. Lúc này đã sang đầu giờ chiều, mưa tạnh hẳn nhưng trời vẫn âm u. Phút mặc niệm trước tượng đài liệt sỹ không còn giữ được sự yên lặng khi con số 10.263 liệt sỹ đã nằm lại nơi đây, trong đó còn rất nhiều phần mộ chưa tìm được tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ… được đọc lên. Một tiếng nấc, rồi nhiều tiếng nức nở cùng òa lên. Nhà thơ Phạm Hồ Thu sụp xuống khóc trước hàng mộ liệt sỹ Hà Nội. Mấy em bé người Pakô chạy lại cầm tay chị: “Bà tìm ai, để con dẫn bà đi…”, “Bà tìm mọi người, các anh chị ấy đều nằm đây con ạ…”. Lary Heinemann, tiểu thuyết gia người Mỹ đã có ba tiểu thuyết và một hồi ký nói tới  chiến tranh Việt Nam, dừng lại trước hàng bia mộ đầu tiên, ông cúi đầu im lặng rất lâu cho đến khi một người bạn Việt Nam đến bên cạnh, họ ôm choàng lấy nhau, và khóc. Những em bé Pakô dường như đã nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt như thế, bởi ngày nào cũng rủ nhau lên nghĩa trang tỏa đi thắp hương trên mộ liệt sỹ, chúng nhớ từng khu vực chôn cất theo quê quán liệt sỹ để chỉ dẫn chính xác cho người muốn tìm.

Tôi, đứa con được sinh ra từ một người lính trở về từ chiến trường Tây Nam bộ, lần đầu tiên đến nghĩa trang Trường Sơn, sửng sốt đến nghẹt thở trước bạt ngàn bia mộ sắp hàng nghiêm ngắn như khi các bác, các chú, các cô duyệt đội hình. Như một sự mách bảo từ tâm linh, tôi nhờ đám trẻ đưa đến khu mộ liệt sỹ Hà Tây cũ, chúng đốt giúp tôi một bó nhang. Tôi vừa chạy xuống hàng mộ vừa khấn thầm: “Các bác các chú ở làng Tòng Bạt (thuộc huyện Ba Vì - Hà Tây cũ, cũng là nguyên quán của tôi) nằm ở đâu xin chỉ đường cho con đến…” Vài phút sau dừng lại ở ngôi mộ của liệt sĩ cùng họ Phạm Quang với cha mình, tôi gọi về nhà, đầu kia mẹ tôi nghẹn lại: “Trời ơi, chú họ con nằm đấy mà sao bây giờ mới biết. Con thắp hương cho chú, nói là…” Mẹ không nói thêm được câu nào nữa. Tôi nhìn lên bia mộ, người chú này cùng năm sinh với cha tôi, nhập ngũ chưa đầy hai năm thì hy sinh tại chiến trường Quảng Trị…  Nắm nhang trên tay tôi chỉ còn một nén nữa, tôi muốn dành cho một nấm mộ liệt sĩ vô danh…

…Đêm cuối cùng ở Lao Bảo (Quảng Trị), tiệc chia tay rất giản dị với những món ăn Việt Nam giờ đây đã trở nên quen thuộc với những người bạn Mỹ. Các nhà văn cựu binh cùng nâng cốc chúc nhau sức khỏe, sức sáng tạo và sự bình an trong trái tim. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thổi một bản nhạc rộn rã bằng cây sáo của nhà thơ Kevin Bowen, nhà văn Lary Heinemann và nhà thơ Văn Công Hùng đứng dậy cầm tay nhau nhảy múa nhiệt tình và ăn ý. Những tiếng vỗ tay hòa nhịp lan dần sang các bàn khác. Mọi người cùng hát. Những tiếng cười làm ấm lên cả một vùng núi non nơi biên giới…

Thư gửi Kevin
Đêm thẫm đen ngọn núi Bà Đen
trái hỏa châu bay một đường ma quái 
giây phút ấy anh kịp nhận ra
đây không thể là thứ lửa con người cần
cũng không phải là thứ ánh sáng của 
những ai hiểu biết
Rất nhiều năm sau cuộc chiến 
bước thấp bước cao
áo vải tay không
anh trở lại
dệt nối chúng tôi với những người bạn tuyệt vời
Thật ấm áp là những cuộc viếng thăm của các anh
đây là sự gặp gỡ của những người chán mọi tiếng vang
trước bốn bề mây bay nước xiết 
một thế gian ầm ĩ đến ghê người
Đời thiếu gì những chuyến đi hấp dẫn
tìm dầu mỏ tìm vàng tìm công danh sự nghiệp
kiếm huân chương sao vạch ông nọ bà kia
lắm lúc tôi kêu lên
Kevin ơi là Kevin
thiên hạ bao nhiêu chỗ vui
sao cứ phải chọn chốn này mà đến
Một dải đất nghèo quê mùa thô vụng
làn quan họ khúc nam bình nam ai
những câu dân ca những điệu lý điệu hò
cất lên từ thẳm sâu
em tôi giọng trầm
hát nửa chừng 
anh khóc
Ai dám bảo
Thái Bình Dương không ẩn chứa nhiều hiểm họa
đường xa đốm lửa lập lòe
anh làm những chuyến đi
gan góc vượt muôn trùng sóng
trên quê hương tôi nhọc nhằn
anh một khách lữ hành không mỏi
hồn hậu nhà thơ
điềm nhiên minh triết
Sách Phật nói
kiếp người nền tảng là tự do
mục đích là vui sống
thành quả là sự phát triển
duyên phận chẳng phụ lòng thời gian muối mặn
từ lúc nào anh hóa người đàn ông từng trải
cái vẻ đẹp sau cùng của mỗi đời người
Giờ ta luống tuổi rồi
mắt mờ chân chậm
nhớ nhau 
ra cửa sông gọi nhau qua gió
lòng hình như đã có thể vui
niềm vui trồng cây dâng quả
Kevin của tôi
anh là người rất người.
Đỗ Chu