Hạnh phúc giản dị

ANTD.VN - Những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ 20, tôi đến với Báo An ninh Thủ đô như một cơ duyên. Hồi bấy giờ, tôi chẳng thể nghĩ sau này mình gắn bó với tờ báo tới 35 năm. Giật mình nhớ lại ngần ấy năm làm báo, trải qua những lúc gian khó nhất mà toát mồ hôi. Nhưng chính từ những khó khăn ấy, chúng tôi - những chiến sĩ công an làm báo mới thực sự trưởng thành…

Hạnh phúc giản dị  ảnh 1Cố Thủ tướng Phạm Hùng đọc Báo ANTĐ năm 1987

Làm báo thời gian khó

Hồi đó, Báo An ninh Thủ đô chỉ là một bộ phận trong Đội Tuyên truyền của Phòng Công tác chính trị - CATP Hà Nội. Tôi may mắn được nhận vào Báo An ninh Thủ đô là nhờ có chút năng khiếu về hội họa và kẻ chữ. Nhiệm vụ của tôi là trình bày mỹ thuật cho tờ báo. Gọi là báo cho oai thôi, vì hồi đó Báo An ninh Thủ đô chỉ là bản tin nội bộ, được in tại xưởng in của Phòng Hậu cần CATP rồi phát miễn phí cho công an các phòng, quận, huyện và lực lượng bảo vệ dân phố…

Những ngày đầu làm báo thật khó khăn, tôi chưa hề có khái niệm về trình bày, thiết kế dàn trang báo. Ấy vậy, Tổng biên tập yêu cầu tôi làm thế nào chỉ một tuần vừa tự học hỏi và tự làm ma-két để xây dựng những trang báo cho đẹp, ấn tượng… Thời điểm đó, anh Nguyễn Quốc Toán, phụ trách Đội Tuyên truyền là người viết chữ đẹp nhất CATP Hà Nội chịu trách nhiệm chính về trình bày mỹ thuật cho tờ báo.

Sau đó là anh Ngọc Anh cũng thỉnh thoảng kiêm nhiệm luôn khâu làm ma-két. Trực tiếp mục sở thị cách dàn trang và được sự hướng dẫn của các anh, tôi nhanh chóng nhập cuộc và cũng  trình bày xong 4 trang báo đúng thời hạn (lúc đó Bản tin An ninh Thủ đô chỉ có 4 trang). Khi bài, tin được chuyển xuống xưởng in sắp chữ là lúc tôi phải mang ảnh sang Nhà in Báo Nhân Dân nhờ làm ảnh kẽm.

Thời đó, các nhà in đều in typo, chưa có công nghệ in offset hiện đại như bây giờ. Tất cả ảnh đều phải chụp lên bản kẽm rồi nhúng vào hóa chất cho ăn mòn… mới ra một sản phẩm gọi là ảnh kẽm. Thời gian đợi lấy ảnh kẽm nhanh thì 3 ngày, lâu thì 1 tuần mới xong. Bởi vì, cả Hà Nội chỉ có Nhà in Báo Nhân Dân làm ảnh kẽm đẹp nhất nên nhiều tờ báo, tạp chí… đều đặt làm ảnh ở đây nên nhiều khi đến hai, ba lần mới lấy được ảnh.

Khi bản ảnh kẽm được mang về, chúng tôi phải tự đóng lấy trên một đế gỗ dày khoảng 2cm (cao tương đương với con chữ chì ở nhà in) để ghép cùng các “bát chữ” của  bài viết. Đáng lẽ công việc này thuộc kỹ thuật của công nhân in, nhưng thấy chị em ở xưởng in bận rộn chưa làm được, chúng tôi phải tự mang về làm để đẩy nhanh thời gian ra báo. Thế là chúng tôi bỗng dưng gánh thêm công việc của công nhân kỹ thuật in và xưởng in coi đó là nhiệm vụ của tòa soạn.

Từ đó, đi đâu, làm gì hễ thấy có mảnh gỗ nào có thể dùng làm đế ảnh kẽm là tôi nhặt mang về để dùng khi cần thiết. Để chủ động cho công việc, tôi đề xuất tòa soạn mua cưa, búa, kìm, đinh… phục vụ cho việc đóng ảnh kẽm. Riêng máy khoan, tôi mượn ông Hoàng Xuân An - một cán bộ lão thành của Đội Tuyên truyền để giảm phần chi cho tòa soạn.

Và cũng từ đó, tòa soạn thỉnh thoảng vang lên một âm thanh mới của tiếng cưa, tiếng khoan, đóng ảnh kẽm của những “người thợ bất đắc dĩ” như chúng tôi. Khi các công việc chuẩn bị đầy đủ cho trang báo lên khuôn in là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm chờ đợi sản phẩm của mình.

Ấy vậy, nhiều khi đế gỗ bản kẽm cắt bị lệch, không ép vào được khuôn in, công nhân xưởng in lại yêu cầu chúng tôi sửa, mài lại cho vuông vắn. Thậm chí chữ sắp xong rồi, một công nhân nào đó vụng về để đổ cả “bát chữ” là lại phải sắp chữ lại từ đầu, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể báo đang in, phải dừng lại nhường máy cho công nhân in tài liệu gấp…

Cứ như thế, mỗi công đoạn chậm một chút, có khi tới gần nửa tháng  mới ra được tờ bản tin có 4 trang. Mặc dù, sản phẩm báo in không còn mang tính thời sự, báo in xong lúc nào thì phát cho các đơn vị lúc ấy, không ra theo ngày nhất định, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui khi thấy cán bộ, chiến sĩ CATP hào hứng đón nhận…

Làm báo thời đổi mới

Năm 1985, Báo An ninh Thủ đô chính thức công khai ra mắt bạn đọc và cũng là thời điểm công nghệ in bắt đầu phát triển. Báo An ninh Thủ đô chuyển sang in offset - một kỹ thuật theo nguyên lý in mặt phẳng, chất lượng hình ảnh cao, nét… và tốc độ in cuốn nhanh hơn rất nhiều lần so với in typo (in từng mặt một rồi trở mặt sau in tiếp). Chúng tôi ai nấy đều rất vui và cố gắng tiếp cận công nghệ in hiện đại.

Thời gian này, Báo An ninh Thủ đô tăng lên 16 trang, in tại Xí nghiệp in Báo HàNộimới và phát hành vào sáng chủ nhật hàng tuần. Cũng trong thời gian này, họa sĩ Xuân Viễn được nhận về tòa soạn tăng cường cho công tác trình bày mỹ thuật. Hai anh em chúng tôi thay phiên nhau mỗi người làm ma-két một kỳ vừa để thay đổi phong cách trình bày và vừa có thời gian chuẩn bị cho các số báo tiếp theo. 

Mặc dù, những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước Báo An ninh Thủ đô được coi là bước “đột phá” và từng cá nhân chúng tôi cũng tham gia vào cuộc “đột phá” ấy. Dù báo được in và phát hành đúng ngày, nhưng thực ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc vì chỉ là báo tuần. Tất cả công nghệ, quy trình in offset khác hoàn toàn so với in typo, nhưng chúng tôi vừa làm, vừa tự học hỏi tiếp cận với công nghệ in mới.

Rất may mắn, tôi được cố họa sĩ Lê Văn Hiệp (họa sĩ của Báo HàNộimới) lúc bấy giờ tận tình hướng dẫn một số kinh nghiệm trong công tác trình bày mỹ thuật để tận dụng tối đa khả năng của máy in offset. Ông còn mách nước cho tôi tiết kiệm công chế bản, không qua công đoạn chụp phim bằng cách vẽ minh họa, kẻ tít viết trực tiếp lên giấy nến bằng mực tầu đen để khô rồi cắt ghép bình bản... (vì phim đắt và hiếm, giá thành chụp cao).

Sau này, các minh họa trong các chuyên mục Chuyện vụ án, Chuyện cảnh giác… tôi đều đề nghị các họa sĩ vẽ trực tiếp lên giấy nến thay phim. Vì yêu mến Báo An ninh Thủ đô, nên các họa sĩ đều chiều lòng chúng tôi. Thực tế không họa sĩ nào thích vẽ trên loại giấy này vì vừa khó vẽ, vừa phải vẽ tỉ lệ 1/1, không thu phóng theo ý muốn được và không phóng tay vẽ như giấy bình thường. Thậm chí, nếu vẽ hỏng thì phải vẽ lại từ đầu, không sửa được…

Khi tờ báo đầu tiên được in ra, cũng là lúc trời sắp sáng. Ngoài cổng nhà in, anh chị em đại lý phát hành đang lục tục chờ sẵn. Nhìn mọi người hồ hởi chuyển báo về các ngả đường của Thủ đô, tôi tỉnh ngủ hẳn, sau ca trực, thấy  vui và hạnh phúc…