Gìm cương con ngựa giá thuốc chữa bệnh

Hàng vạn người bệnh mong chờ

ANTĐ - Giá thuốc chữa bệnh là một ma trận mà người bệnh cần mua thuốc không thể biết đâu là giá thật, chưa nói đến đâu là thuốc thật. Ở một nhà thuốc trên đường Cách mạng Tháng Tám chúng tôi còn chứng kiến một sự việc cười ra nước mắt. Một cô gái xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang vào cửa hàng thuốc. Đứng quầy là một cậu thanh niên chừng hơn 20 tuổi, chắc là một nhân viên bán thuốc. 

Cô ôm cổ nói: Cho em một liều thuốc ho. Cậu thanh niên hỏi ho thế nào. Cô trả lời: Ho khan. Thế là thoăn thoắt cậu lục tìm mấy vỉ thuốc khác màu, dùng kéo cắt soàn soạt. Có đến 4,5 loại, xanh, đỏ, trắng. Cậu căn dặn cô gái rất chuyên nghiệp, loại nào 3 viên một lần loại nào 2 viên… Rồi cậu hô: Tất cả 125.000đ. Cũng chẳng mặc cả hay băn khoăn gì, cô gái trả tiền và xin nước uống thuốc. Tôi hỏi cô: Sao em cứ uống bừa vậy. Cô trả lời rất vô tư: Thì từ trước em vẫn vậy. Ốm cứ ra nhà thuốc mua bừa, uống bừa vẫn khỏi. Tôi hỏi thêm: Thế em có biết giá thuốc như thế này là đắt hay rẻ? Cô tròn mắt: Trời, bệnh muốn chết còn hỏi giá thuốc làm gì… Vậy đấy, không phải hầu hết khách hàng đều “mù” và “câm” về giá thuốc nhưng dược phẩm luôn là mặt hàng mà người mua hiếm khi lấy bệnh tình của họ ra để mặc cả. Tâm lý này chắc chắn sẽ tiếp tục bị những kẻ đầu cơ thuốc, các hãng dược, các nhà thuốc đã tha hồ đưa ra các mức giá kiếm lợi khủng trên lưng bệnh nhân.

Minh họa: Internet

Tại phiên họp Chính phủ

Tại phiên họp Chính phủ về dự án Luật Dược sửa đổi ngày 21-3 vừa qua, nhận xét về giá thuốc chữa bệnh hiện nay, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thốt lên: “Hiện nay giá thuốc mình còn cao lắm, tôi nghe nói càng đấu thầu càng lên cao không biết có đúng không? Gắn với bệnh viện có nhà thuốc hết, mỗi ông bác sĩ khám sau lưng có nhà thuốc hết. Để mua thuốc người dân khổ lắm, cầm đó là mua thôi không bao giờ trả giá được. Người bán thuốc Việt Nam lại kiêm luôn bác sĩ, ngày kê uống bao nhiêu viên. Có trường hợp dược sĩ chết 3 năm mà bằng của bà vẫn có người thuê để kinh doanh thuốc. Quản lý phải thế nào chứ không thể để như thế”.

Vậy tại sao? Với người dân thành thị có thu nhập ổn định, giá thuốc chưa chắc đã ảnh hưởng tới đời sống, nhưng với người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, một lần ốm là tan cơ nghiệp. Có rất nhiều hộ dân từ không nghèo hoặc vừa thoát nghèo lại tái nghèo vì bệnh mà quan trọng nhất chính vì giá thuốc chữa bệnh quá cao. Nhiều bác sĩ đã khẳng định: Tiền thuốc chiếm đến 70% chi phí chữa bệnh. Mặc dù không gây ồn ào dư luận, không tác động mạnh đến tâm lý người dân như khi tăng giá xăng dầu hay giá điện nhưng thuốc chữa bệnh được coi là một trong những mặt hàng có sức tăng mạnh nhất tại thị trường tự do. Nhưng từ trước tới nay, có thể nói, chưa có biện pháp nào gìm cương được con ngựa giá thuốc. Trung bình mỗi năm giá thuốc chữa bệnh tại các nhà thuốc tăng khoảng 20%, có nhiều loại biệt dược còn tăng 40-50% có khi tăng gấp đôi gấp ba là bình thường.

Trước năm 2013, chúng ta đã buông lỏng quản lý giá thuốc. Từ khi có kinh tế thị trường hầu như giá thuốc do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ quy định giá một số chủng loại như vaccine, thuốc thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia... Mặc dù ngay từ năm 2003, Bộ Y tế đã có quy định phải niêm yết giá thuốc bán buôn cũng như bán lẻ, nhưng quy định này hoàn toàn không quản lý được giá thuốc bởi một lý do đơn giản: Mỗi nhà thuốc có bán hàng vài trăm loại thuốc nên không có chỗ và không thể niêm yết hết được, chưa kể các nhà thuốc không muốn niêm yết giá để tự do “hành” người bệnh. 

Đầu năm 2013, một cơn bão tăng giá thuốc đã đánh động dư luận, Bộ Y tế, đơn vị được giao quản lý giá thuốc sau khi khảo sát đã giật mình… Không chỉ giá thuốc ở các nhà thuốc lung tung giá mà ngay các loại thuốc do các bệnh viện đấu thầu giá cũng lung tung. Lãnh đạo nhiều bệnh viện vẫn chưa tham khảo được hết danh mục các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc trong nước đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), hay hệ thống các nhà phân phối thì không thể có căn cứ để chấm điểm đấu thầu. Ngoài ra, nhiều loại thuốc độc quyền, nhượng quyền, sinh phẩm vaccine... vẫn chưa có thông tin để tham khảo giá cũng như chất lượng. Theo khảo sát của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, 5 loại nhóm hoạt chất Cefoperazol + Sulbactam, 

Ceftriazon, Levofloxiacin, Cefuroxim và Methyl prednisolon, dù cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng nhưng có giá chênh lệch vài %, thậm chí 2 - 3 lần so với mức trúng thầu thấp nhất. 

Thế rồi, một cơ chế quản lý giá thuốc ra đời, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hoan hỷ khẳng định đã tìm ra “thuốc đặc trị” hành vi tăng giá thuốc do mua bán lòng vòng và đấu thầu mỗi nơi một giá. Ngày 8-2-2013, Thông tư hướng dẫn thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng ra đời. Nói nôm na là Nhà nước quản lý giá thuốc trên cơ sở chi phí và lãi hợp lý của doanh nghiệp, không thể bán vô tội vạ, mua 1 bán 3, 4, khoản chênh lệch lãi được đem chia chác cho bác sĩ, trình dược viên. Nhưng một lần nữa, sự hoan hỷ này không đem lại kết quả trên thương trường. Giá thuốc vẫn tăng và con ngựa giá thuốc vẫn tung vó để lại các nhà quản lý hít bụi. Năm ngoái giá một vỉ thuốc prednisolon 5mg 2.000 /vỉ, năm nay lên 5.000đ/vỉ, tính nhẹ có 250%(!)

Liệu lần quyết tâm này có làm đỡ gánh nặng người bệnh

Ngày 21-3 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức phiên họp xem xét dự thảo về Luật Dược sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua. Dĩ nhiên Luật Dược có rất nhiều vấn đề, tuy nhiên quản lý giá thuốc đã chiếm phần lớn nội dung cuộc họp. Trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã nghiên cứu, tìm hiểu  và nhận thấy quản lý giá thuốc vẫn là câu chuyện rất dài. Hiện thuốc trong nước sản xuất rất ít, chủ yếu là nhập khẩu, nhập cả thuốc và nhập nguyên liệu cho nên giá thành rất cao. Khi xây dựng Luật Dược phải làm sao đừng để giá thuốc tăng lên, tránh như giá sữa sau khi có Thông tư quản lý thì giá lại cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm nên áp dụng kinh nghiệm, cách làm của các nước tiên tiến, đề nghị thành lập Hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc. Thành viên bao gồm các bộ Y tế, Tài chính, các hiệp hội đại diện cho người tiêu dùng… Trong đó, Bộ trưởng Y tế làm chủ tịch, trường hợp biến động bất thường hội đồng sẽ quyết định theo hình thức biểu quyết. Đề xuất này cũng được hai Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Văn Ninh ủng hộ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Người chịu trách nhiệm chính trước quốc dân đồng bào phải là Bộ Y tế”. Riêng Bộ trưởng Bộ Y tế có rất nhiều tâm tư. Bà cho biết không riêng gì nước ta mà trên thế giới chuyện quản lý giá thuốc đều không đơn giản, ở Mỹ và châu Âu thì cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế đưa ra các quy định để làm sao có giá thuốc thấp nhất. Còn thuốc bán ngoài đường phố không do quỹ bảo hiểm chi trả thì theo quy luật thị trường, “chứ không phải như ở ta thuốc nào cũng do Nhà nước quản lý giá, vừa rồi Bộ Y tế phải dùng nhiều biện pháp kể cả dùng mệnh lệnh để ép giá”.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thuốc là một sản phẩm liên quan đến đời sống, sức khoẻ nhân dân. Phải có cơ chế quản lý hiệu quả. Có người quản lý, chịu trách nhiệm chính nhưng phải có người kiểm tra, giám sát. 

Thủ tướng khẳng định, để xử lý những bất cập đó, công nghiệp dược phải trở thành ngành quan trọng của đất nước, không thể để cái gì cũng nhập khẩu. Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo việc này nhiều nhưng kết quả chưa như mong muốn. Theo Thủ tướng “Nhà nước cũng không nhất thiết phải chủ đạo lĩnh vực này mà chỉ nên có chính sách hỗ trợ khuyến khích để phát huy vai trò các thành phần kinh tế khác”. Theo kết luận của Thủ tướng, Dự thảo Luật Dược nên điều chỉnh việc quản lý giá đúng theo Luật giá, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính; đồng thời có hội đồng liên ngành để quản lý. Tuy nhiên, quy định trong luật chỉ nên định hướng chung, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp. Thủ tướng giao cho Bộ Y tế chỉnh sửa lại Dự thảo Luật Dược, thống nhất với Bộ Tài chính để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội.

Dư luận và hàng vạn người bệnh lại một lần nữa hy vọng giá thuốc sẽ xuống thang, sẽ không như giá sữa, sẽ không còn nghèo đi mỗi lần mang bệnh.