Hằng Nga 3 của Trung Quốc lên mặt trăng có lợi gì cho Mỹ?

ANTĐ - Vào lúc 01h30 ngày 2/12, Trung Quốc sẽ phóng tàu đổ bộ mặt trăng “Hằng Nga 3” từ trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương. 

“Hằng Nga 3” sẽ được phóng đi cùng với cỗ máy đổ bộ mặt trăng có tên “Thỏ Ngọc”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một tàu vũ trụ “hạ cánh mềm” xuống bề mặt của một thực thể ngoài trái đất, để thực hiện thăm dò bề mặt, diện mạo và điều tra thăm dò khoa học cấu tạo địa chất của mặt trăng.

Tháng 9 năm 2013, NASA cũng đã phóng thiết bị thăm dò bầu khí quyển và bụi của Mặt trăng (LADEE), nhiệm vụ đầu tiên là tìm hiểu bầu khí quyển mỏng và môi trường bụi trên mặt trăng. Có chuyên gia Mỹ cho rằng, khi “Hằng Nga số 3” của Trung Quốc đổ bộ lên bề mặt mặt trăng, tên lửa đẩy có thể gây ô nhiễm bầu khí quyển bên ngoài mặt trăng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc quan trắc của thiết bị LADEE.

Hằng Nga 3 của Trung Quốc lên mặt trăng có lợi gì cho Mỹ? ảnh 1

Tên lửa đẩy Trường Chinh 3 phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 2 lên vũ trụ ngày 1-10-2010


Đối với vấn đề này, chuyên gia khoa vật lý và thiên văn phân hiệu Los Angeles, Đại học California - Mỹ lúc trả lời phỏng vấn của phóng viên khẳng định, ảnh hưởng của Hằng Nga số 3 đối với thiết bị LADEE tương đối nhỏ, căn bản nó không gây trở ngại cho việc thăm dò bầu khí quyển và bụi mặt trăng của NASA.

Còn theo các nhà khoa học khác của Mỹ thì, “Hằng Nga 3” của Trung Quốc đổ bộ lên mặt trăng là cơ hội tốt đối với LADEE, để thiết bị này có thể quan trắc sự ảnh hưởng của tên lửa đẩy như thế nào đến tầng khí quyển bên ngoài mặt trăng, sau đó làm mất nó ra sao. Khi thiết bị thăm dò của Trung Quốc đổ bộ xuống mặt trăng, LADEE có thể tiến hành lấy những mẫu bụi bốc lên để phân tích, đây là một cơ hội đặc biệt cho thiết bị thăm do mặt trăng của Mỹ.