Hàng loạt dự án trọng điểm ở Hà Nội chậm tiến độ: Ai phải chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt dự án trọng điểm đội vốn, chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội và đã đến lúc những câu hỏi “Tại sao chậm tiến độ?”, “Ai phải chịu trách nhiệm?” cần được nhìn nhận thẳng thắn...
Các dự án xử lý rác ở Hà Nội đang chậm tiến độ, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân

Các dự án xử lý rác ở Hà Nội đang chậm tiến độ, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân

Nhiều dự án cấp bách vẫn là bãi đất trống...

Theo giám sát của HĐND TP tại phiên chất vấn ngày 9/12, giai đoạn 2016 – 2020, những công trình hiện đại, nhiều tuyến đường lớn được đầu tư mở rộng đã tạo cho diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng khang trang.

Với nhiều nguồn lực lớn được huy động, chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ đã đem lại cho Hà Nội những hiệu quả quan trọng. Thời gian qua, thành phố còn thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều bệnh viện, trường học, các khu xử lý chất thải được triển khai, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân…

Tuy nhiên, mặc dù thành phố đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, song vẫn còn nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thành lập cụm công nghiệp triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Mới có 51/ 206 dự án trao quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành. Tỷ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các Hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít, hiện nay có 54/104 biên bản chưa được thực hiện.

Giám sát của HĐND TP cũng chỉ ra một loạt các dự án quan trọng nhưng đang chậm tiến độ. Trong đó, nhiều dự án xử lý chất thải đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc là đã dừng, hoặc chậm triển khai.

Đó là dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 8 nghìn tỷ đồng do Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào đầu năm nay. Tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 85% thiết bị.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư. Dự án này có công suất xử lý rác từ 700 lên 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện, diện tích sử dụng đất 2,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Sau một năm rưỡi được UBND thành phố chấp thuận triển khai, dự án vẫn đang là bãi đất trống.

Dự án đầu tư nhà máy xử lý rác Châu Can, huyện Phú Xuyên có tuổi đời đã 6 năm nhưng hiện giờ nó vẫn là cánh đồng mênh mông …Dự án này do công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long làm chủ đầu tư, công suất 500 tấn/ngày, công nghệ đốt tiêu huỷ, diện tích xây dựng 4,8 ha…

Trong khi các khu xử lý chất thải của Thủ đô đang ngập trong rác không thể xử lý, thì các dự án điện rác được kỳ vọng sẽ giải bài toán khó vẫn đang treo lơ lửng.. Cử tri và nhân dân không biết phải chờ đợi tới bao giờ mới hết chuyện thỉnh thoảng lại nghe bãi rác nơi này nơi kia quá tải, rác Thủ đô không biết vận chuyển về đâu…

Giám sát của HĐND TP cũng nêu việc, từ năm 2018 đến 2020, Hà Nội đã có quyết định thành lập 43 cụm công nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn còn 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 262ha chưa có quyết định giao đất, trong đó 6 cụm đã quá thời hạn theo tiến độ quy định.

Điển hình, tháng 6/2018, UBND thành phố đã có Quyết định về việc thành lập Cụm Công làng nghề Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, giao Cy CP Hanel Mirolin làm chủ đầu tư, quy mô 7,3 ha, tiến độ năm 2020 phải hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng. Dự án hiện vẫn đang là bãi đất trống….

Dự án Công viên Yên Sở đã được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 846 triệu USD. Khu A có diện tích khoảng 122ha, trong đó hơn 90 ha đất đã cơ bản xong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường vành đai 3.

Tuy nhiên hiện nay vẫn đang là bãi đất trống… Còn đối với 186 ha ở khu B, hiện nay mới có khoảng 13,6ha diện tích hồ được bàn giao, diện tích còn lại hơn 172 ha chưa GPMB. Điều đáng nói là dự án này tiếp tục được trao quyết định đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, tức là sau 13 năm kể từ khi được trao quyết định lần đầu.

Có thể thấy, câu chuyện những dự án vài trăm tỷ tới nghìn tỷ ở các hội nghị xúc tiến đầu tư phần lớn là hoành tráng trên giấy, còn thực tế khi triển khai lại gặp muôn vàn khó khăn, từ thủ tục hành chính tới quy hoạch, GPMB, dẫn đến kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành. Câu chuyện ở đây chắc chắn là cần sự vào cuộc thực chất hơn của các bên liên quan…

Đặc biệt, nhiều dự án xây bệnh viện ở Hà Nội được đưa vào danh mục công trình đầu tư công theo dạng “cấp bách” nhưng do vấp nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống…

Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Nhi Hà Nội quy mô 500 giường bệnh được UBND TP quyết định đầu tư năm 2015, giao Sở y tế làm chủ đầu tư. Đến năm 2017 thì chuyển Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hoá Xã hội thành phố làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích gần 72 nghìn m2 trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, tổng mức đầu tư hơn 784 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2018. Dự án đã hoàn thành công tác GPMB. Tuy nhiên đến nay, dự án bệnh viện Nhi Hà Nội vẫn là bãi đất hoang.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Hàng loạt dự án trọng điểm đội vốn, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đã đến lúc những câu hỏi “Tại sao chậm tiến độ?”, “Chậm ở đâu?”, “Ai phải chịu trách nhiệm?” cần được nhìn nhận thẳng thắn, đi kèm với đó là các mốc thời gian, thời hạn cụ thể để giải quyết vấn đề.

Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố: xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố luôn coi thu hút đầu tư là chiến lược lâu dài, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển KTXH, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh xã hội.

Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều dự án chậm triển khai.

Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, đặc biệt trong công tác hậu kiểm. Chế tài xử lý các dự án chậm triển khai đã được quy định rất rõ trong luật, vấn đề đặt ra là phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cần phải có giải pháp cụ thể, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất hơn nữa, để những mảnh đất vàng của Thủ đô không bị bỏ hoang…

Thông điệp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Mới đây, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức 2 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại các hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành và thành phố Hà Nội đã trả lời nhiều vướng mắc của doanh nghiệp, giải quyết trực tiếp từng dự án, mang lại hiệu quả thực chất. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Thủ đô trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế.