Dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa khánh thành đã hư hỏng nặng:

Hàng loạt cán bộ bị Bộ trưởng Đinh La Thăng “trảm” không thương tiếc

ANTĐ - Liên quan đến sự cố hư hỏng mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Lã Chí Đức - Giám đốc điều hành Dự án đã chính thức bị cách chức hôm qua (29/11). Nhiều giám đốc và phó giám đốc khác của Dự án này cũng bị kỷ luật.

Như vậy, sau 9 ngày Dự án bị Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “sờ gáy” và chỉ đạo thanh kiểm tra toàn diện thì Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã làm rõ được trách nhiệm của các cá nhân liên quan và nêu rõ việc xử lý cán bộ cũng như giải pháp khắc phục, sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Liên quan đến sự cố mặt đường bị hư hỏng, hàng loạt cán bộ của Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị cách chức, kỷ luật

Báo cáo nhanh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long gửi lãnh đạo Bộ GTVT chỉ ra nguyên nhân của tình trạng ổ gà cục bộ không phải vì nền móng hay thiết kế mà do có một số mẻ bê tông chất lượng không đồng đều đã làm hư hỏng mặt đường.

Theo đó, ông Dương Tuấn Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long đã ký quyết định cách chức Giám đốc điều hành Dự án đối với ông Lã Chí Đức; ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó Tổng Giám đốc (phụ trách dự án) bị khiển trách; phê bình ông Nguyễn Huy Thao - Giám đốc Trung tâm quản lý tạm thời đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương và khiển trách ông Lê Văn Ngoạn - Phó giám đốc Trung tâm.

Trước đó, hôm 21/11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lã Chí Đức - Giám đốc điều hành Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tới việc một số vị trí trên tuyến cao tốc đầu tư nhiều tiền mới thông xe tạm thời năm ngoái nhưng nay đã bị hư hỏng cục bộ.

Về vụ việc này, trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra và xác định trách nhiệm của từng đơn vị về những hư hỏng trên tuyến cao tốc này, trong đó trách nhiệm số 1 thuộc Ban Quản lý Dự án, tiếp đó là tư vấn giám sát và cuối cùng trách nhiệm của đơn vị thi công. Vì vậy cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý thật nặng, thật nghiêm nhằm nâng cao chất lượng công trình và tạo lòng tin trong nhân dân”.

Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 6.500 tỷ đồng nhưng sau điều chỉnh lên gần 9.900 tỷ đồng, “đội” thêm hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là đường cao tốc dành cho ô tô đầu tiên tại Việt Nam có chiều dài 39,8 km đi qua địa phận 3 tỉnh/thành là TP.HCM, Long An và Tiền Giang.

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương được thông xe khai thác tạm thời từ ngày 3/2/2010. Sau khi thông xe tuyến đường cao tốc đã không còn xảy ra tình trạng ách tắc giao thông trên QL1 đoạn qua TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Cùng với đó, tuyến đường cao tốc cũng góp phần giảm thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên một giờ so với thời điểm chưa khai thác đường cao tốc. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 60.000 lượt ô tô lưu thông trên tuyến cao tốc này.

Được biết, ngoài cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “chấm” 3 dự án giao thông trọng điểm khác ở Hà Nội là Láng Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thăng Long vào danh sách thanh tra toàn diện nhằm làm rõ vi phạm, truy trách nhiệm cá nhân, đơn vị thực hiện dự án.