Các đại biểu bàn cách chống hàng giả, hàng nhái |
Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng nay (28-7), ông Trần Hữu Linh cho biết, nếu như trước kia, hàng giả thường tập trung vào một số mặt hàng như: mỹ phẩm, đồ gia dụng… thì nay, thêm nhiều mặt hàng giả khác xuất hiện trên thị trường.
Điển hình như xăng giả, xăng kém chất lượng rất phổ biến. Bên cạnh đó là phân bón trộn đất và xỉ, làm giả phân bón thật, giả làm vật tư nông nghiệp...
“Sáu tháng đầu năm, số lượng cũng như quy mô vụ việc liên quan đến hàng giả càng ngày gia tăng. Môi trường để cho hàng giả đưa vào lưu thông ngày càng dễ dàng. Chẳng hạn như kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, bán online. Trước đây, vận chuyển, buôn bán hàng giả thì chui lủi nhưng giờ thì đi công khai qua cả các hãng chuyển phát khiến lực lượng chức năng khó đối phó”- ông Trần Hữu Linh nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, nạn sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn ra dai dẳng và mỗi năm mỗi khác. Năm nay, do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero- Covid, việc buôn bán qua đường tiểu ngạch gặp khó khăn. Vì thế mà các đối tượng lại tìm cách đưa hàng giả, hàng nhái theo kênh chính ngạch.
“Việc sản xuất rồi thẩm lậu hàng giả vào thị trường nội địa rất phức tạp, ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả mà tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm. Điển hình như vụ bắt cơ sở làm mật ong giả làm từ mạch nha tại Hoài Đức, Hà Nội vừa qua”- lãnh đạo Tổng cục QLTT nói.
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, việc chống hàng giải phải “đi tắt đón đầu”, đi trước 1 bước.
“Ngay cả cái tem chống giả cũng bị làm giả rất nhiều mà chẳng có tác dụng gì cả. Hiện tại, Hiệp hội lại phải đi tìm ra có đơn vị nào là có công nghệ cao hơn để làm tem mà không thể làm giả được”- ông Nguyễn Đăng Sinh nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS Bộ Công Thương), nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn TMĐT để ngăn chặn.
Để hạn chế rủi ro, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của những người tiêu dùng trước hoặc là của các doanh nghiệp đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý.
Bên cạnh đó, các chủ sàn TMĐT cũng cần nâng cao trách nhiệm chống hàng giả theo các quy định của Nghị định mới như Nghị định 85/2021.
Còn theo ông Trần Hữu Linh, muốn chống hàng giả về căn cơ và tận gốc vấn đề thì quốc gia phải có một hệ thống để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tới đây, Tổng cục QLTT sẽ trình Bộ Công Thương để trình Chính phủ trong năm nay. Bên cạnh đó, cần chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử một cách có trọng tâm, trọng điểm.