Hàng chục “sổ đỏ” bị mất ở xã Việt Long, huyện Sóc Sơn: Niềm tin “gửi” không đúng chỗ

ANTĐ - Vì muốn có vốn để phát triển kinh tế gia đình, hàng chục hộ dân xã Việt Long, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tin tưởng, giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - “sổ đỏ” cho một số đối tượng môi giới để làm thủ tục vay tiền và bị mất.

Hàng chục “sổ đỏ bốc hơi”

Giữa tháng 8-2014, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - CAH Sóc Sơn nắm được thông tin nhiều hộ dân ở xã Việt Long bị mất “sổ đỏ”. Tiến hành xác minh, cơ quan điều tra được biết trong các năm từ 2006 - 2012, do có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình và nhiều lý do khác, 60 hộ dân tại xã Việt Long thông qua một số người môi giới ký hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng ủy quyền cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền của các cá nhân, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đến nay, đa số các hộ dân đều không nhận được tiền và cũng chưa nhận lại “sổ đỏ”. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an được biết bà Nguyễn Thị Hậu, SN 1969, ở thôn Tiên Tảo, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Việt Long, đã trực tiếp mượn, nhận, môi giới cho 30 hộ dân (trong đó có gia đình bà Hậu) thế chấp “sổ đỏ” thông qua các hình thức hợp đồng chuyển nhượng, ủy quyền Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền. 16/30 “sổ đỏ” sau khi nhận của các hộ dân, bà Hậu đã chuyển cho một người ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội) và những “sổ đỏ” này tiếp tục được chuyển tới tay Nguyễn Thu Hợp, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) để nhờ làm thủ tục vay tiền. Khi cơ quan điều tra thẩm vấn, Hợp trình bày chỉ nhớ được 3 trường hợp đã thế chấp vay tiền, số “sổ đỏ” còn lại đã thất lạc và không biết đang nằm ở đâu. Hiện tại, Hợp đang trong thời gian thi hành án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

14 “sổ đỏ” còn lại được bà Hậu làm hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng, thế chấp cho 7 người khác, trong đó có bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vân Sơn. Bà Vân đã thế chấp “sổ đỏ” tại Phòng giao dịch Quang Minh, thuộc Ngân hàng B. có trụ sở chi nhánh đặt tại huyện Mê Linh (Hà Nội) để vay 1,8 tỷ đồng. Hiện bà Vân chưa trả tiền cho ngân hàng để lấy “sổ đỏ” về trả cho các hộ dân. Ngoài những trường hợp trên, bà Hậu còn môi giới và nhận “sổ đỏ” của nhiều hộ dân khác ở xã Việt Long, rồi chuyển cho một số cá nhân để nhờ làm thủ tục vay tiền, nhưng đến nay không có kết quả. 

Trong quá trình thu thập tài liệu liên quan đến vụ việc, cơ quan công an nắm được ngoài bà Hậu, còn một số trường hợp khác là ông Nguyễn Bá Văn và bà Nghiêm Thị Thọ, đều ở thôn Tăng Long, xã Việt Long, đã mượn và môi giới cho 13 hộ dân thế chấp “sổ đỏ” để vay tiền. Tuy nhiên, những “sổ đỏ” này hiện nay vẫn chưa xác định được đang nằm ở đâu và chủ sở hữu của chúng vẫn chưa nhận được tiền thế chấp. Thật trớ trêu, trong số 8 trường hợp ông Văn mượn, môi giới cho các hộ dân thế chấp vay tiền, có 4 trường hợp đã chuyển cho Trần Văn Tịnh, ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn và không vay được tiền, “sổ đỏ” cũng bị thất lạc. Hiện Trần Văn Tịnh đang thi hành án 23 năm tù giam. Ngoài ra, còn 17 “sổ đỏ” của các hộ dân khác chưa xác định được đang ở đâu.

Cán bộ xã ký xác nhận giấy vay tiền

Cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn đã mời bà Vân tới để xác minh, được biết từ tháng 11-2007 đến tháng 1-2009, bà này đã cho bà Hậu vay 18 lần với tổng số tiền trên 42,5 tỷ đồng. Những giấy tờ, thủ tục liên quan như hợp đồng vay tiền, hợp đồng vay vốn, giấy khất nợ và giấy biên nhận tiền viết tay… đều được một số cán bộ xã Việt Long xác nhận, ký và đóng dấu. Có 1 cán bộ của xã Việt Long đã ký tên, đóng dấu vào hơn 30 trang giấy viết “Cam kết trả nợ” của 34 hộ dân xã này, với nội dung nhờ bà Hậu vay tiền của Công ty cổ phần đầu tư Vân Sơn với tổng số tiền lên tới hơn 3,1 tỷ đồng, kèm theo cam kết sẽ trả tiền cho bà Vân khi nào nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 3B. 

Theo trình bày của bà Hậu với cơ quan công an, bà Hậu bắt đầu vay tiền của bà Vân từ giữa năm 2007, với số tiền lần đầu là 40 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 5 nghìn đồng / 1 triệu đồng / ngày. Số tiền này bà Hậu đã trả đủ cả gốc và lãi. Sau đó, bà Hậu vay tiếp hơn 1 tỷ đồng của bà Vân với lãi suất 10 nghìn đồng / 1 triệu đồng / ngày. Năm 2008, bà Hậu tiếp tục vay tiền của bà Vân thêm vài lần với lãi suất tương tự và chỉ trả được một phần tiền lãi. Ngày 16-1-2009, bà này làm 2 giấy khất nợ bà Vân với tổng số tiền trên 46 tỷ đồng. Bà Vân yêu cầu trên các giấy khất nợ phải có xác nhận của chính quyền địa phương để đảm bảo việc thanh toán. Vì vậy, bà Hậu đã xin xác nhận và chữ ký, con dấu của một số vị chức sắc xã Việt Long. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chữ ký của các cán bộ xã Việt Long ký tên trong các “Hợp đồng vay tiền” và “Hợp đồng vay vốn”. Kết quả giám định cho thấy, tất cả các chữ ký đều là thật. 

Tính đến thời điểm này, cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn đã xác minh được 43 “sổ đỏ” của các hộ dân, trong đó có 26 “sổ đỏ” bị thất lạc, 17 “sổ đỏ” đã xác định được các cá nhân, tổ chức nắm giữ, trong đó có một số chi nhánh các ngân hàng tại Hà Nội. 

(Còn nữa)