Chuyện chưa biết trong lòng phố cổ (1):

Hà Nội, vô tận… ngõ

ANTĐ - Nói đến ngõ phố cổ Hà Nội người ta chỉ cần dùng hai chữ vô tận.
Lắng đọng ngõ nhỏ phố cổ

Bà Phương Lan sống ở ngõ 105 Hàng Bạc từ những năm 50 của thế kỷ trước bảo rằng: “Tôi là nghệ sỹ nên những con ngõ của Hà Nội dường như nó cho tôi thêm nhiều cảm hứng hoạt động nghệ thuật. Mỗi lần đi về con ngõ mình ở, leo lên nhà mình tôi thấy yêu cuộc sống, yêu phố cổ Hà Nội thêm…”. Bà Lan là nghệ sỹ làm ở rạp Chuông Vàng từ mấy chục năm về trước.

Sau này, tuổi cao bà nghỉ hưu, con cái của bà đều đã trưởng thành, nhà cửa rộng rãi ở nơi khác, nhưng bà vẫn không muốn xa con ngõ nơi mình gắn bó. Bà Lan bảo: “Bao nhiêu năm gắn bó với tiếng rao, những âm thanh phố phường, giờ chuyển theo con cái đi nơi khác, muốn nghe những “vũ nhạc” đời thường giản dị ấy thì không dễ”.

Cầu thang chung dùng để treo tranh

Không gian phố cổ sẽ chẳng bao giờ đẹp nếu thiếu đi những con ngõ chật hẹp ấy. Chẳng ai thống kê, cũng chẳng ai đếm nổi phố cổ có bao nhiêu con ngõ sâu hun hút. Người ở Hà Nội lâu năm bảo, ngõ phố cổ là nơi lắng đọng nhất. Ở đó, ẩn chứa một nhịp sống rất riêng. Một nhịp sống ở nơi sầm uất phố hội nhưng lại lặng lẽ và trầm lắng của mỗi kiếp người.

Ngõ 15 Hàng Điếu

Câu nói quả có phần đúng. Bởi ngõ nhỏ, phố nhỏ là tiểu giao thông của tổng thể phố lớn. Để có đường lớn, phải hình thành từ một lối mòn nhỏ, mà xa hơn nữa là từ bước chân đầu tiên để thành lối mòn. Sự sắp đặt của người đi trước, là để cho người đi sau kế thừa, và phát triển. Nhưng đừng vì sự phát triển nhanh, mà quên đi cái gốc đã bỏ lại một Hà Nội khác ở đằng sau mặt tiền đẹp sạch, hào nhoáng là từng con ngõ nhỏ.

Ngõ thì bao giờ cũng hẹp và chật, nhất là đối với phố cổ, nhiều con ngõ luôn trong tình trạng tối giữa ban ngày, người mới ghé qua nhìn bí bách, thấy khó sống. Song đối với người đã gắn bó với ngõ, lại quen, chẳng muốn đi đâu. Ở đâu âu đấy mà. Bạn tôi nhà ở ngõ Hàng Điếu giờ vẫn sống cảnh chờ đợi, xếp hàng đánh răng, đợi đến lượt đi… tắm. Nhưng người ta trả nhiều tiền cũng không đồng ý bán để đổi nơi khác. Chỉ với lý do, quen rồi chẳng muốn thay đổi. Sáng ra, đứng cửa một chút là mua đủ thứ cho một ngày sinh hoạt, mà không cần phải ra chợ. Ở phố cổ chật mà tiện lắm! Rồi đối với người nghèo thì chỉ cần ấm nước, vài cái chén cũng kiếm đủ tiền sinh hoạt tằn tiện hàng ngày…

Ngõ phố Cầu Gỗ

Chỉ nghe qua ký ức của người bạn về phố cổ, cũng thấy thân thương. Bạn kể rằng thuở nhỏ, chơi với nhóm bạn, trong nhóm đó có một người nhà có điều kiện, diện tích rộng, có công trình phụ riêng biệt. Mấy đứa nhà nghèo chẳng ai bảo ai, cứ thân bám như keo người bạn giàu có ấy. Không để xin của cải tiền bạc, hay vật chất gì. Mà đơn giản, chỉ để khi buồn… đi nhờ vệ sinh nhà bạn. Đó là cái trước mắt, và suy nghĩ tinh nghịch của một tuổi thơ của những người điều kiện hạn hẹp, sống trong phố cổ, song nó cũng ẩn chứa một tình cảm mộc mạc, níu kéo người ta không muốn xa nơi họ sinh sống bao năm…

Ngõ tối giữa ban ngày

Nhiều người bảo dân phố cổ “hữu danh vô thực” quả cũng không sai. Nhưng đó chỉ là một phần. Bởi khi tìm hiểu về những cuộc sống ở phố cổ, tôi biết được, dân phố cổ chính gốc, giờ còn không nhiều. Trừ một số gia đình thuộc diện quý tộc từ xưa, thì nay vẫn giữ được nơi ở kỷ niệm của mình. Giá nhà đất phố cổ đẩy lên cao… như giời. Một phần cũng vì những người lắm tiền của ở ngoại tỉnh đổ xô về mua, chứ thực chất dân phố cổ và đặc biệt dân gốc Hà Nội xưa thì thuần, nhẹ nhàng và lắng đọng, họ cũng không mấy khi ồn ào về vật chất, về hình thức.

Ánh sáng trời là điều thật xa xỉ đối với nhiều ngõ phố cổ Hà Nội

Giờ cứ thử đi vào một con ngõ nào trong khu phố cổ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên với những ánh sáng của đèn điện bật quanh năm suốt tháng. Cũng vì sự sinh nở, sự thay đổi chủ nhân của những ngôi nhà cũ kỹ ấy, thế nên họ sửa chữa rồi làm biến đổi không gian. Người bạn tôi ở ngõ phố Hàng Điếu, nói như hoài niệm về nơi ở của mình rằng. Xưa kia, vẫn ngôi nhà ấy, vẫn ngõ ấy, cầu thang gỗ ấy, tuy hẹp nhưng ánh sáng vẫn lọt đủ soi từng bậc lên xuống. Giờ muốn đi phải dùng đèn. Cái bậc cầu thang gỗ cũng như nhân chứng gắn với con người ở đó. Cầu thang chung, có hàng chục nhà cùng sử dụng nhưng bạn tôi nói rằng nghe bước chân nặng nhẹ là có thể đoán được người hàng xóm là ai…

Một giờ sinh hoạt trong con ngõ Cầu Gỗ

“Phố nhỏ ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó…” lời bài hát như giới thiệu, như gửi gắm về con ngõ, đó linh hồn của phố cổ Hà Nội, của những người hoài cổ hay nói cách khách của những người yêu nét cổ kính của một Hà Nội lắng đọng. “Tôi sẽ kể bạn nghe chuyện phố cổ, nơi tôi ở. Mỗi đêm khuya tiếng cầu thang gỗ gõ, cọt kẹt. Chưa đặt chân âm thanh đã vọng trong phòng. Tiếng người nói, khua thùng chậu đợi nước. Tiếng tắm đêm nước dội như mưa rào đổ. Sáng chưa rõ mặt, người đã xếp hàng đợi. Nơi máy nước là ngày hội của từng ngày. Người đi lên cầu thang ngoái hỏi người đi xuống. Họng nước bận tôi đợi… khi hết đông…”.

Giờ vẫn thế. Con ngõ Hà Nội lắng đọng biết bao đời người. Có những nhà 6 mét vuông chứa 4 người sinh sống. Nhịp sống thường ngày “ăn, ngủ, ngồi, sinh hoạt”… đều chỗ ấy cả thôi. Và những câu chuyện của nhịp sống trầm lắng trong phố cổ cũng xuất phát từ đó.