Hà Nội: Siêu thị đầy ắp hàng, người dân không lo thiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tối nay (23-7), Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị đã dự trữ hàng hóa gấp 3 lần tháng bình thường, người dân Hà Nội không nên lo lắng, tích trữ lương thực, thực phẩm.
Hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, người dân không lo thiếu

Hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, người dân không lo thiếu

Mặc dù thời tiết mưa gió, không thuận lợi cho việc đi mua sắm nhưng tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội như: Big C, VinMart, Co.op Mart… lượng khách đến vẫn tăng nhẹ. Lúc 20h tối nay tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng người đến mua sắm đông hơn hẳn. Có ùn tắc nhẹ tại một số quầy thanh toán.

Tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông, khách đến chỉ đông như ngày tối ngày cuối tuần thông thường. Khách hàng đều thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn khi vào siêu thị.

Trong khi đó, do có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi nằm trong khu dân cư, chung cư nên các cửa hàng của VinMart, VinMart + đón lượng khách đông hơn. Các gian hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, sữa, đồ dùng gia đình được nhiều người lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Hương Sen (Hoàng Đạo Thúy- Thanh Xuân) cho biết: “Tôi mua đồ dùng vài ngày để mấy ngày mới phải ra khỏi nhà mua sắm. Thành phố đang tuyên truyền về chống dịch, hạn chế ra khỏi nhà cũng là phòng dịch”.

Theo chị Nguyễn Hương (Đống Đa- Hà Nội), gia đình chị Hương có đặt hàng online các mặt hàng thiết yếu tối nay tại hệ thống bán lẻ của Lotte nhưng nhận được câu trả lời họ đã quá tải đơn hàng và từ chối nhận.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Với tình hình nhu cầu mua sắm tăng cao đột, tại một số quầy hàng, nếu xảy ra thiếu hàng cục bộ thì cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự chủ động dự trữ hàng hóa như trên, các siêu thị sẽ bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân.

Mặt khác, Hà Nội vẫn mở cửa các chợ dân sinh nên người dân có thể mua hàng tại cacsc chợ. Hiện tại, chỉ có nguồn cung mặt hàng trứng gia cầm hạn chế hơn do chia sẻ với các tỉnh phía Nam, giá trứng tại các chợ cũng tăng nhẹ. Song theo nhận định của các chuyên gia, mặt hàng này sẽ sớm được bổ sung.

Nhằm đảm bảo tổ chức hoạt động vận tải, giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, cập nhật phương án của ngành, đơn vị, địa phương và phương án của Thành phố trong việc đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid- 19 xảy ra.

Cụ thể, thành phố giao Sở Công Thương thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án đảm bảo hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài thành phố để tham mưu UBND TP đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phải nhắc nhở các siêu thị thực hiện tốt công tác phòng dịch với khách đến mua hàng, chỉ đạo lực lượng QLTT kiểm tra thị trường thường xuyên, tránh găm hàng, tạo sốt ảo trên thị trường.

Tại các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đề nghị rà soát, bổ sung, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm đã đăng ký làm kho dự trữ hàng hóa, các địa điểm bán hàng lưu động khi cần thiết; Chủ trì trong việc thực hiện phân luồng hàng hóa từ các kho dự trữ về các khu dân cư, chợ dân sinh… trên địa bàn.

Cùng với Sở Công Thương, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở NN&PTNT, Sở Y tế, GTVT… chủ động rà soát, phối hợp để đảm bảo hàng hóa cung ứng cho nhân dân.

Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: “Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh”.