Hà Nội: Nghiên cứu đề xuất chuyển đổi biệt thự cũ thành không gian sáng tạo văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi di sản công nghiệp, biệt thự cũ, di sản đô thị... thành các không gian sáng tạo văn hóa mới phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội đặt mục tiêu là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng

Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố.

Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Thiết kế, Ấm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Thời trang...

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP.

Đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại và Sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.

Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”

Nội dung thực hiện gồm 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đáng chú ý, Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH nhất là các dự án có tính chất nền tảng, chiến lược.

Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi di sản công nghiệp, biệt thự cũ, di sản đô thị... thành các không gian sáng tạo văn hóa mới phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa; Xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đặc thù đối với các khu vực phố cổ, phố cũ, làng cổ, khu vực hai bên bờ sông Hồng...

Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, nghệ sĩ, diễn viên... xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển; hình thành và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao.

Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, tên đường phố Hà Nội, thông tin về Mạng lưới thành phố Sáng tạo Hà Nội để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.

Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hình thành các tuyến, chương trình liên kết các vùng văn hóa như Liên kết văn hóa đất tổ, cố đô (Hà Nội - Phú Thọ - Ninh Bình - Thanh Hóa - Huế...), Trung tâm văn hóa Đồng bằng Sông Hồng, Trung tâm văn hóa Việt Mường (Hòa Bình), Chương trình “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”...

Hà Nội cũng sẽ rà soát, bố trí quỹ đất tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP tầm quốc gia, Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật quốc gia, Tổ hợp thể thao đẳng cấp quốc tế...;

Ưu tiên quy hoạch quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực nội đô lịch sử để xây dựng các công trình công cộng phục vụ tái thiết đô thị, phát triển bền vững…