Hà Nội dự kiến tăng học phí: Còn nhiều ý kiến băn khoăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 20/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội năm học 2022-2023.
Hà Nội đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023

Hà Nội đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023

Để có cơ sở thu học phí phù hợp với mức thu nhập, khả năng đóng góp của người dân có con theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đề xuất phân loại thành 4 vùng để áp dụng mức chi học phí từ năm 2022-2023.

Phương án đề xuất mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (trừ cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thị trấn). Tuy nhiên, tốc độ tăng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 so với năm học 2021 - 2022 ở một số cấp học có mức tăng cao.

Đối tượng dự kiến có mức tăng học phí với số tiền tuyệt đối cao nhất là trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn các phường với mức tăng 145.000 đồng/học sinh/tháng và tỷ lệ tăng là 93,55%.

Đối với dự kiến có tỷ lệ về mức tăng học phí cao nhất là học sinh cấp trung học phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn các xã miền núi, với tỷ lệ tăng 316,67% và mức tăng với số tiền tuyệt đối là 76.000 đồng/học sinh/tháng.

Về quy định áp dụng mức thu học phí, trong trường hợp online năm học 2022 - 2023 bằng 75% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đã được ban hành.

Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Quang Hào, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp, phân tích dư luận xã hội cho rằng, cần xem xét lại mức chênh lệch mức thu học phí giữa các xã miền núi và khu vực đô thị.

Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý vì thu nhập và chi phí tại các phường nội thành cao hơn thị trấn. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỷ lệ học phí giữa các xã miền núi và các phường, mặc dù số lượng trẻ em theo học các trường mầm non và THCS là khá nhỏ so với các vùng khác thuộc địa bàn Hà Nội.

Tại hội nghị, một số đại biểu cũng cho rằng, mức tăng thu gần 100% học phí đối với vùng 1 là quá cao, trong khi đời sống người dân đang còn khó khăn sau ảnh hưởng dịch bệnh và giá xăng tăng cao. Việc tăng học phí là cần thiết nhưng cần có lộ trình.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, các ý kiến sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với các quyết sách của thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, để bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị.