Hà Nội: Công đoàn cơ sở hoạt động còn dàn trải, thiếu đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động.

Ngày 23/4, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, hiện tổ chức này đang quản lý 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.899 công đoàn cơ sở và 608.630 đoàn viên. Trong đó, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là 5.480 công đoàn cơ sở; với 413.728 đoàn viên (chiếm 61,5% số công đoàn cơ sở và 67,9% tổng số đoàn viên công đoàn toàn thành phố).

Thời gian qua, hoạt động của tổ chức công đoàn Thủ đô luôn gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đó là các hoạt động thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển ở nước ta những năm qua, hoạt động của công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn cơ sở nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, chậm đổi mới.

Quy mô đoàn viên còn nhỏ lẻ, dẫn đến phân tán, tiêu tốn nhiều nguồn lực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn ít, đặc biệt đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở thay đổi thường xuyên do biến động về việc làm; nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cơ sở nhiều nơi còn dàn trải, thiếu kỹ năng và chưa tập trung trong thực hiện các nhiệm vụ chính của tổ chức công đoàn là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên tập trung phần lớn vào việc phát triển đoàn viên mới, chưa dành nhiều sự quan tâm nâng cao chất lượng đoàn viên và công tác quản lý đoàn viên, nên đoàn viên chưa gắn bó chặt chẽ với tổ chức công đoàn cũng như chưa thuyết phục được người lao động tự nguyện tham gia công đoàn.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, quá trình hội nhập quốc tế cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới đang đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức công đoàn. Đặc biệt là việc pháp luật cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn Việt Nam.

Sự xuất hiện của tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam có nguy cơ làm tăng chậm, thậm chí giảm số lượng đoàn viên cũng như số lượng công đoàn cơ sở.

Thực tế trên đòi hỏi hoạt động của các cấp công đoàn nói chung và hoạt động của các công đoàn cơ sở nói riêng, trong đó có công đoàn cơ sở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phải đổi mới toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp.