Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng ngoại giao chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"

ANTD.VN - Hà Lan có ý muốn hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ngoại giao bất ngờ bùng phát với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hiện chưa thấy có những dấu hiệu “xuống thang” từ phía Ankara.

Cuộc tuần hành tại Istanbul ủng hộ  Tổng thống Erdogan trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ với Hà Lan

Hà Lan và Thỗ Nhĩ Kỳ vừa bị cuốn vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Amsterdam bất ngờ “cấm cửa” Ngoại trưởng Thỗ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya đặt chân tới Hà Lan những ngày này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ dự định tới Hà Lan vào ngày 9-3 vừa qua, song giới chức Hà Lan không chấp thuận cho chiếc máy bay chở ông Cavusoglu đáp xuống sân bay quốc tế Amsterdam.

Theo kế hoạch trước đó, Ngoại trưởng Cavusoglu đến Hà Lan để có gặp gỡ cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam vào ngày 11-3, trong khi đó ông Kaya cũng có cuộc gặp tương tự tại Hengelo, một thành phố ở phía Đông Hà Lan. Tuy nhiên, chính quyền cả hai địa phương này của Hà Lan đều đã thông báo hủy bỏ hai cuộc gặp của các ông Cavusoglu và Kaya.

Giới chức Hà Lan tuyên bố lý do “cấm cửa” ông Cavusoglu đến nước này cũng như hủy bỏ hai cuộc gặp nói trên là do không chấp nhận việc hai quan chức cấp Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan để vận động chính trị. Được biết, hai ông Cavusoglu và Kaya đến Hà Lan là để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 400.000 người ở nước này ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp tại cố hương vào ngày 16-4 tới.

Trước đó, Hà Lan cũng như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác đã phản đối những hành động được cho là vi phạm nhân quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip     Erdogan để trấn áp cuộc đảo chính hồi tháng 7-2016. Cuộc đối đầu giữ phương Tây và Tổng thống Erdogan càng thêm gay gắt khi ông đề xuất sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ - một việc làm được phương Tây cho là bước lùi nghiêm trọng đối với nền dân chủ nước này khi tăng thêm nhiều quyền hạn cho Tổng thống Erdogan. 

Cũng chính vì thế mà sự tức giận của Ankara với Amsterdam đã gia tăng thêm gấp bội khi Hà Lan không cho phép hai ông Cavusoglu và Kaya đến nước này vận động ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Phát biểu tại một cuộc tuần hành ủng hộ mình ở thành phố Istanbul ngày 11-3, ông Erdogan thậm chí đã dùng những lời lẽ rất nặng nề đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa biết ông Erdogan có làm theo tuyên bố cứng rắn của mình hay không nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái đầu tiên. Từ ngày 11-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Thủ đô Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan vì lý do an ninh. 

Sau vài ngày bùng phát, Hà Lan rõ ràng đã muốn hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất nhiều năm qua giữa hai nước khi Thủ tướng nước này Mark Rutte ngày 12-3 tuyên bố: “Sẽ làm mọi điều trong quyền hạn để xoa dịu căng thẳng”. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù Amterdam muốn “hạ nhiệt” song cho đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu nào tương tự từ Ankara.