GS.TS Lê Thị Quý: Với tất cả những gì đã và đang cống hiến phái đẹp

ANTĐ - GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển. Tác giả 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung, bà là người bền bỉ đấu tranh cho bình đẳng giới và là một trong sáu nhà khoa học đương đại có mặt trong cuốn sách đồ sộ Rạng rỡ sử xanh phụ nữ Việt Nam. Nhân Quốc tế Phụ nữ 8-3-2013, GS.TS Lê Thị Quý dành cuộc đối thoại đặc biệt cho An ninh Thủ đô Cuối tuần.

- Chào GS.TS Lê Thị Quý, xin hỏi bà  một câu: Khi đấu tranh cho sự bình đẳng, quyền của phụ nữ, bà có nhân danh, chịu chi phối của yếu tố giới tính?

- Không, tôi không bênh phụ nữ vì mình là phụ nữ. Tôi là nhà khoa học. Khoa học đúng đắn luôn cần sự công tâm, tiến bộ.

- Tại Việt Nam và ngay cả trên thế giới, vẫn có những người hiểu biết công nhận rằng: không thể có bình đẳng đúng nghĩa thực sự giữa nam và nữ. Quan điểm của bà?

- Không thể có bình đẳng tuyệt đối, bởi tạo hoá sinh ra đàn ông và đàn bà đã bất bình đẳng. Chức năng giới tính của phụ nữ rất nặng: mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ là thiên chức mà đa số phụ nữ muốn/phải/cần thực hiện. Với những phụ nữ đi làm, về nhà lại làm trăm thứ việc, với gia đình, họ hàng, thật vất vả. Nội trợ, quán xuyến nhà cửa là xã hội chức, không phải thiên chức như giới nữ và xã hội hay nhầm.

- Sự thành đạt của nhiều đàn ông trong xã hội từ xưa tới nay khiến không ít người cho rằng: bẩm sinh đàn ông thông minh hơn đàn bà?

- Đúng là đàn ông sinh ra đã ưu việt về sinh học hơn phụ nữ, còn trí thông minh như nhau. Phụ nữ quán xuyến gia đình, làm việc thời gian kéo dài, cường độ nặng, hình thức lao động nhàm chán qua những công việc mặc định là chức năng, không được trả công, không có thời gian nghĩ ra việc kiếm tiền, thiếu điều kiện phát triển sự nghiệp. Thậm chí, một số phụ nữ ở nhà nội trợ còn bị coi là “ăn bám”. Hiện nay, nữ Thủ tướng Đức 2 nhiệm kỳ (từ 11-2005) Angela Merkel được coi là phụ nữ quyền lực hàng đầu thế giới, rồi nữ Tổng thống Argentina, Brazil, Hàn Quốc, … đều là những phụ nữ giỏi giang. Nhà bác học Ba Lan Marie Curie (1867-1934) phát triển sự nghiệp tại Pháp, đã nhận 2 giải Nobel về Hoá học, Vật lý, điều mà chưa người đàn ông nào giành được.

- Trở lại câu chuyện về việc nhà, thưa bà, đa số phụ nữ coi đây là bổn phận, sự tận tụy hy sinh cho chồng con là tự nguyện, hạnh phúc. Nấu ăn hàng ngày cho cả nhà là niềm vui, chứ không phải gánh nặng?

- Ta đi ăn phở, phải trả tiền. Nhưng người vợ, người mẹ nấu ăn cả đời, có được trả công đâu? Gần đây, có dịch vụ đẻ thuê ở trong và ngoài nước, phải trả công cực đắt. Bao phụ nữ kiệt sức, tàn tạ vì phải đẻ nhiều, đâu được bù đắp. Thật bất công! Năm 1995, Liên hiệp quốc (LHQ) đã đưa ra kết quả tổng kết: số công việc nữ giới toàn cầu làm ở mỗi gia đình, nếu tính công sẽ lên tới 11 tỷ tỷ USD.

- Vì thế nên có câu “8-3 là ngày phụ nữ vùng lên”?

- Đừng dùng từ “vùng lên” mà nam giới sợ. Phụ nữ hãy làm chủ bản thân, cuộc đời mình, tự giải phóng mình. Sau đó nam giới, chính quyền sẽ hỗ trợ.

- Nhưng sự thật là phụ nữ luôn ít có cơ hội thăng tiến hơn?

- Ít thành đạt hơn vì điều kiện phụ nữ khó hơn, song chưa được tính đến để đưa vào chính sách một cách hoàn hảo. Không thành văn bản, mà nhiều xã hội vẫn như mang nặng dấu ấn phụ quyền. Chẳng hạn ở Việt Nam, đàn ông giỏi giang là bình thường, còn đàn bà giỏi vẫn hay bị xem là “cá biệt”, khác thường. Một phụ nữ nổi tiếng dễ bị lắm ghen ghét hơn nam giới, mà sự đố kỵ lại ở trong giới nữ với nhau, cộng thêm dư âm ngàn năm vẫn coi phụ nữ là nhỏ mọn, “đàn bà biết gì” nên một số bực tức, không chấp nhận phụ nữ thành đạt, “gà mái gáy thay gà trống”.

- Được biết năm 2005, bà có tên trong danh sách 1000 phụ nữ thế giới được đề cử Nobel Hoà bình. Đấy là sự ghi nhận của cộng đồng khoa học quốc tế với sự nghiệp của bà. Bà hãy nói rõ hơn về công việc của mình? Là con dâu trưởng của GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, bà có hậu thuẫn lớn khi chồng con đều là TS xã hội học?

- Chồng tôi, GS. Đặng Cảnh Khanh, nhận bằng Tiến sĩ xã hội học đầu tiên của Việt Nam năm 1985, tại Hungari, từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên gần 20 năm, nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, trưởng khoa KHXH thuộc ĐH Thăng Long. Tôi là TS Sử học (năm 1989, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô), GS Xã hội học. Vợ chồng tôi đã có Gia đình học (NXB Dân trí 2007, tái bản 2011) là công trình viết chung đã nhận giải Sách hay Sách đẹp. Bố chồng tôi, GS Mỹ học, Triết học Vũ Khiêu là người thầy, người bạn lớn của chúng tôi trên con đường khoa học. Lại có con trai Đặng Vũ Cảnh Linh tiếp bước, chúng tôi thấy vẫn còn đủ sức, cảm hứng theo đuổi lâu dài con đường của mình. Hiện chúng tôi vẫn giảng dạy đều ở các trường đại học. Tôi đi giảng, thuyết trình tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Tôi đã bảo vệ đề tài cấp Nhà nước “Quản lý Nhà nước về gia đình” và đang làm đề tài “Xây dựng gia đình Việt Nam đến 2020” (sẽ công bố năm 2014).

- Đấu tranh cho bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, chống bạo hành phụ nữ và trẻ em có phải là những công việc nhọc mệt và căng thẳng nhất mà bà đang làm?

- Quả là mệt và tốn tâm sức lâu dài. Tôi từng nói chuyện về vai trò phụ nữ, bình đẳng giới với thính giả đặc biệt: các đơn vị bộ đội quanh Thủ đô. Nghe xong, họ cảm ơn nhiệt thành vì qua những kiến giải của tôi, các sĩ quan, chiến sĩ càng hiểu đúng và kỹ hơn về vai trò của người mẹ, người vợ của họ. Sự bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ có ở các nước tiến bộ cao, xã hội cân bằng, trong sáng. Xã hội nào có nhiều vấn đề, còn nhiều tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến bình đẳng giới.

- Việt Nam là nước đang phát triển. Đa số phụ nữ còn vất vả. Bà có lời khuyên gì?

- Phụ nữ không nên hy sinh mù quáng, tự tạo cho mình là “nô lệ mới”, nhất là chị em ở nông thôn, miền núi. V. Lê nin từng nói: “Kinh tế gia đình nếu không biết quản lý, nam giới sẽ  là ông chủ, phụ nữ thành nô lệ”. 

- Hiện trong xã hội vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ. Việc lựa chọn giới tính thai nhi đang là vấn đề rất “nóng”. Bà có cảnh báo gì về tình trạng này?

Nếu cứ tiếp tục bất bình đẳng, cả hai giới sẽ là nạn nhân. Chuyện nạo thai bé gái sẽ dẫn đến hậu quả nặng cho xã hội: nảy sinh cưỡng dâm, buôn bán phụ nữ, đàn ông trong tương lai phải “nhập khẩu vợ” vì mất cân bằng giới tính tại Việt Nam. Những xã hội công nghiệp, các giá trị truyền thống tốt đẹp bị đảo lộn sẽ khiến con người lạnh giá, vô cảm với nhau, sống vị kỷ. Không hiếm hiện tượng trẻ con bị tủi thân sinh chấn động tâm lý, trầm cảm dẫn đến tự tử, phát triển lệch. Tất cả đều ảnh hưởng mọi con người.

- Có một số phụ nữ, một bộ phận nhỏ nữ nghệ sĩ chọn sống đơn thân không lấy chồng, vẫn sinh con? Bà có cho rằng đó là quyền tự do?

- Ngoài hoàn cảnh quá lứa lỡ thì kiếm con làm niềm vui, nương tựa, một số phụ nữ cố ý không kết hôn nhằm phát triển tính độc lập. Tôi không ủng hộ xu hướng làm mẹ đơn thân, những vùng vẫy chứng tỏ tính độc lập ấy đều không đem lại gia đình hạnh phúc. Tôi ủng hộ những người có ý thức hướng tới, xây dựng gia đình trọn vẹn. Hiện nay ở châu Âu, người ta đang trở lại gia đình: kết hôn, sinh con; ai độc thân bị Nhà nước phạt do không đóng góp sự phát triển của xã hội, qua duy trì giống nòi. Vì tương lai con mình, trẻ em và xã hội, các gia đình cần có đầy đủ vợ, chồng.

- Từng giảng dạy tại Mỹ 1 năm (từ 1996-1997) và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, theo GS, vai trò của báo chí có tác động thế nào cho quá trình xây dựng bình đẳng giới và xây dựng gia đình tiến bộ trong xã hội hiện nay?

- Báo chí Việt Nam thường tuyên truyền nhằm vào các đợt kỷ niệm. Theo tôi, nên truyền thông rải đều suốt năm. Một năm chỉ 1 ngày phụ nữ được ngợi ca, kêu gọi tôn trọng, quan tâm thì chán quá. Hy vọng báo chí truyền thông góp sức cho bình đẳng, hạnh phúc thực sự của giới nữ.

- Bà có cảm giác háo hức, mới lạ chờ đợi quà 8-3 từ chồng và con trai không? Là những người Tây học, các tập quán văn minh phương Tây lưu truyền thế nào trong đời sống gia đình bà?

- Tôi vẫn có cảm giác chờ quà tặng từ 2 người đàn ông thân yêu nhất cuộc đời. Với tôi, giá trị của quà là ở tấm lòng. Chồng tôi tặng quà đa dạng, anh có tính nghệ sĩ nên hay tạo bất ngờ, không lặp lại. Anh yêu nhạc Pháp, chơi piano hay. Con trai duy nhất của chúng tôi, TS Đặng Vũ Cảnh Linh (1974) sống cùng vợ và con gái Bảo Linh (lớp 4) tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, rất bận nhưng không khi nào quên quà 8-3, 20-10 và sinh nhật mẹ. Chúng tôi coi trọng giá trị truyền thống nhưng ứng dụng một cách tiến bộ với sự tiếp nhận lối sống hiện đại, duy trì lãng mạn, bặt thiệp. 

- Nhân 8-3 sắp đến, GS có chia sẻ gì với những người phụ nữ?

- Với tư cách một nhà khoa học, tôi sẽ kiên trì đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ. Là một phụ nữ được hạnh phúc, tôi rất xót xa những người đồng giới bất hạnh, nhọc nhằn còn nhiều trên đất nước ta. Tôi luôn canh cánh nỗ lực giảm bớt số lượng ấy. Nhiều chị em không hề được một lời chúc, được biết đến 8-3 trong đời. Tôi muốn phụ nữ và đặc biệt là nam giới cần phải hiểu rằng phụ nữ không phải là phái yếu. Giới nghiên cứu ngày nay không coi phụ nữ là phái yếu nữa. Không phải mọi phụ nữ đều có nhan sắc, đều đẹp, nhưng bằng những gì đã và đang cống hiến, phụ nữ là phái đẹp. Tôi ước mong ngày nào cũng là 8-3! Chúc tất cả các bà, các mẹ, chị em được cười và ấm áp trong và sau ngày 8-3.