Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 1/2/2023 Google Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.
Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh (Ảnh chụp màn hình)

Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh (Ảnh chụp màn hình)

Trong lời giới thiệu, Google Doodle cho biết: Bà Sương Nguyệt Anh là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Nữ giới chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1/2/1918, số cuối ra ngày 19/7/1918.

"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách trong sáng, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau", trang Google Doodle ghi nhận.

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Bà Sương Nguyệt Anh lúc còn trẻ

Bà Sương Nguyệt Anh lúc còn trẻ

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Bà cùng gia đình người anh chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu. Sau đó, bà kết hôn và sinh một cô con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời. Bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Nguyệt Anh goá chồng".

Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh sang Nhật du học.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh trở thành chủ bút tờ "Nữ giới chung" nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới". Tờ báo ra số đầu tiên vào ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của "Nữ giới chung" khiến mật thám Pháp e ngại, khiến 6 tháng sau tờ báo này bị đình bản. Cũng tại thời điểm đó, người con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh) vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.

Suốt 22 số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà.

Sương Nguyệt Anh qua đời vào tháng 1/1921 tại làng Mỹ Chánh Hòa, thọ 57 tuổi. Bà được an táng cạnh mộ cha mẹ, hiện nay thuộc Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, ấp 6, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.