Góc khuất của Thể thao Việt Nam: Thầy nội làm tội học trò

ANTĐ - Lâu nay, vị trí HLV trưởng ĐTQG của các môn đỉnh cao đều giao cho các ông thầy địa phương đảm trách. Và đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những lùm xùm, đẩy người trong cuộc vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. 

Mâu thuẫn như… ĐTQG

Quý Phước từng dở khóc dở cười trong chuyến tập huấn tại Mỹ

Vụ lùm xùm của đội tuyển bơi xung quanh chuyến tập huấn tại Mỹ đã khép lại với việc rút Quý Phước về nước để đưa sang Trung Quốc tập huấn, song đằng sau đó còn nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Ít ai biết, trước chuyến đi đó, HLV Đặng Anh Tuấn (HLV trưởng ĐTQG) đã một mực đăng ký VĐV T.N (cùng đơn vị An Giang) dù biết VĐV đang chấn thương lưng. Kết quả, chưa đầy 2 tuần sau, “thương binh” T.N phải về nước theo cái cách không thể thảm hơn: Phải giả vờ người tàn tật, ngồi xe lăn lên máy bay để nhận được sự chăm sóc của nhân viên hàng không bởi không ai đưa về. Trước đó tại SEA Games 26, cũng vẫn HLV Anh Tuấn đăng ký cho trò “ruột” của mình thi nội dung 100m tự do thay cho Quý Phước, và phải đến khi Đà Nẵng phản đối kịch liệt, ông trưởng bộ môn có ý kiến, Quý Phước mới được thi nội dung sở trường và giành luôn HCV. 

Với môn bóng bàn, cứ mỗi lần phát công văn tập trung đội tuyển là hàng loạt trụ cột như Kiến Quốc, Mỹ Trang, Việt Linh… đều từ chối “khéo” với lý do sức khỏe, hoặc bận việc gia đình. Nhưng sự thật là họ và đơn vị chủ quản thừa hiểu lên tuyển cũng như không, bởi HLV trưởng sẽ chỉ chăm chút học trò ruột. Rồi đến chuyện tại đội nữ boxing đang chuẩn bị thi đấu giành suất dự Olympic 2012. VĐV được kỳ vọng là Lìu Thị Duyên (Lào Cai) đang 57kg bị “bắt” ép cân đấu hạng… 51kg, để nhường suất đánh hạng 60kg cho Ngô Thị Chung (Hà Nội). Đơn giản, cả 2 HLV trên tuyển hiện tại đều của Hà Nội, và việc tìm cách cho VĐV của mình có cơ hội dự Olympic (dù năng lực không bằng VĐV khác) cũng… dễ hiểu.

Điều đáng nói là thực trạng này, cả trưởng bộ môn, thậm chí lãnh đạo Tổng cục TDTT đều biết nhưng vẫn phải “nhún” với các ông thầy địa phương. Phần vì họ có “công” với bộ môn, phần nếu đụng tới tự ái chuyên môn, các HLV này sẵn sàng bỏ đội về lại địa phương, khi mà thu nhập ở tuyển không bằng địa phương, lại không bị ràng buộc.

Ăn cây nào, rào cây ấy 

Chuyện thiên vị VĐV xảy ra như cơm bữa, dù đó là ở môi trường ĐTQG, nơi cần sự công bằng cho tất cả. Ăn cây nào thì phải rào cây ấy, hơn ai hết các HLV nhận lương bổng, chế độ đãi ngộ của đơn vị chủ quản đều hiểu khi lên tuyển phải ưu ái VĐV đơn vị chủ quản. Lơ là huấn luyện các VĐV địa phương khác còn nhẹ, có ông thầy còn cố tình dạy sai giáo án hòng âm mưu “dìm” VĐV mà họ muốn. Bởi ở đội tuyển, HLV trưởng có toàn quyền về chuyên môn. Trước khi lên tuyển nhận nhiệm vụ, chẳng cần lãnh đạo nhắc nhở HLV cũng thừa biết phải “làm gì” để mang về thành tích có lợi nhất cho đơn vị mình. Cũng vì đó mà trước mỗi cuộc thi, thể thao Việt Nam lại chứng kiến hàng loạt những lùm xùm, từ chuyện chọn VĐV này, gạch tên VĐV kia; đến chuyện thiên vị trò ruột, bỏ rơi VĐV địa phương khác của ông HLV trưởng. 

Đáng nói hơn khi thi đấu, nhiều HLV còn tự “quy hoạch” huy chương, bằng việc cho VĐV của mình (dù không xuất sắc nhất) thi càng nhiều nội dung càng tốt, đồng thời thỏa thuận VĐV khác nhường nội dung thi đó cho học trò của mình. Tất nhiên, số được thỏa thuận đa phần là “thân cô, thế cô”, họ chấp nhận hy sinh để nhận được sự “yên ổn”. Hệ lụy từ việc sử dụng HLV địa phương tất cả đều thấy, chỉ có điều, đến nay Tổng cục TDTT - đơn vị trực tiếp tuyển chọn HLV ĐTQG - vẫn như bất lực. Bất lực hay không muốn thay đổi?