Giúp người đã thực hiện xong án phạt tù xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ năm 2018 đến nay, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã và đang triển khai công việc đầy ý nghĩa và thiết thực, là giúp người đã thực hiện xong án phạt tù xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng.

1. Ông Nguyễn Văn Quyến (trú tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh) năm nay ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Là một doanh nhân có tiếng của làng nghề gỗ xã Vân Hà, không những tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương mà còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện; Ít ai biết rằng, ông Quyến từng bị xử phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Làm thủ tục xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt
Làm thủ tục xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt

Đó là vào khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008, ông giữ chức Trưởng thôn Thiên Bình. Thời gian đó, làng nghề xã Vân Hà hoạt động sôi nổi, tấp nập giao thương. Thế nhưng khi ấy, đường vào thôn xóm lầy lội, xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại, thông thương bị hạn chế. Vậy là để thay đổi bộ mặt quê hương, ông Quyến đi vận động từng hộ dân trong xóm và các xưởng sản xuất, doanh nghiệp trong xã... đóng góp tiền để làm đường, làm kênh mương nội đồng, cống thoát nước thải cho cả xóm theo mô hình nông thôn mới ngày nay.

Ngày ấy, số tiền ông Quyến vận động được cực lớn, trên 3 tỷ đồng. Chỉ có điều khi đó chưa có chủ trương cá nhân được tự ý đi vận động, quyên góp tiền của người dân để tự xã hội hóa làm nông thôn mới như hiện nay. Ông Quyến bị người ta đâm đơn kiện, rồi bị xử 15 tháng tù cho hưởng án treo với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Nhận bản án, có phần mặc cảm với xã hội nhưng ông Quyến vẫn tự tin là mình không ăn tiền của bà con lối xóm. Chẳng thế mà sau khi chấp hành xong án phạt, ông Quyến vẫn được mọi người dân trong xóm quý trọng, tiếp tục bầu ông giữ chức trưởng thôn cho đến tận bây giờ. Biết là chức trưởng thôn vất vả, chỉ là những người “vác tù và hàng tổng”, dù gia đình, con cái phản đối, không muốn bố gắn bó với công việc không tên này, nhưng vì sự tín nhiệm của dân làng, ông vẫn vui vẻ đón nhận.

Vừa kiêm chức trưởng thôn, vừa kiêm chức giám đốc doanh nghiệp, công việc bận rộn nhưng ông Quyến vẫn dành nhiều thời gian để đi làm từ thiện. Nguồn kinh phí chủ yếu do ông tự bỏ ra và kêu gọi “Mạnh Thường Quân” trong xã cùng những người bạn của mình đóng góp. Ngoài chi nhánh ở Vân Hà, doanh nghiệp của ông còn mở rộng quy mô mở thêm chi nhánh ở Lào Cai. Ông nhận nhiều người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng con em chính sách... vào xưởng của mình để tạo công ăn việc làm cho họ.

2. Lê Phan Anh, (sinh năm 1992, trú tại Kim Chung, Đông Anh) không ngần ngại chia sẻ về bản thân, bởi theo anh, đó cũng là cách để tuyên truyền cho giới trẻ tránh xa những cám dỗ, tránh xa những tội lỗi mà mình mắc phải. Tuổi trẻ luôn là khoảng thời gian con người ta dễ mắc phải sai lầm nhất, bởi sự bồng bột, hiếu thắng. Như Phan Anh chỉ vì ham mê cờ bạc mà bị bắt về tội đánh bạc. Khi ấy anh mới 25 tuổi.

“Vân Hà cách đây hơn chục năm rất phát triển nhờ có nghề gỗ truyền thống. Các nhà giàu lên nhờ nghề gỗ, kinh tế phát triển cũng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc. Đặc biệt là vào dịp đầu năm là mùa của lễ hội, kéo dài đến vài tháng. Những ngày này, thanh niên lại tụ tập đánh bạc thâu đêm suốt sáng. Em bị bắt cũng vì tội đó”, Phan Anh cho biết.

Thụ án hơn 1 năm, Phan Anh trở về địa phương với sự mặc cảm luôn hiện hữu. “Ngày ấy các anh công an huyện tích cực xuống tận nhà thăm hỏi, động viên, đồng thời tuyên truyền em đi xóa án tích bởi việc đó rất có ích cho em sau này. Nhờ các anh động viên, em cũng đã lên huyện làm thủ tục và quả thực, sau này mới thấy việc xóa án tích là cần thiết với những người lầm lỡ như mình”, Phan Anh chia sẻ.

Nhờ sự chăm chỉ, tu chí làm ăn, Phan Anh đã mở được một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng ngay tại địa phương. Năm 2020, Phan Anh lập gia đình. Thời gian đầu hai vợ chồng tìm hiểu, Phan Anh cũng bị gia đình vợ phản đối chỉ vì từng có tiền án, tiền sự.

Phải mất nhiều thời gian thuyết phục và chứng minh bản thân đã tu chí làm ăn, Phan Anh mới lấy được lòng bố mẹ vợ. Một đám cưới viên mãn diễn ra.

Hiện, công việc buôn bán thuận lợi, vợ chồng Phan Anh ăn nên làm ra, lại có một cậu con trai kháu khỉnh, với anh đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời, khiến anh quên đi mọi sai lầm của tuổi trẻ.

3. Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết –Phó Trưởng CAH Đông Anh nhấn mạnh, về quy định của pháp luật thì những người chấp hành xong án phạt tù thực hiện xong các nghĩa vụ khác của bản án và sau thời gian thử thách trở thành công dân tốt họ được quyền xóa án tích. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do mà người dân quên đi nghĩa vụ này. Có những người không biết thủ tục hành chính, trình tự; có những người bị mất giấy tờ sau khi ra trại hoặc tâm lý không muốn nhắc lại quá khứ tù tội...

Theo Thượng tá Thuyết, hầu hết những người sau khi chấp hành xong án phạt tù không có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để chứng minh nhân thân khiến lực lượng Công an mất cả năm trời đi “gõ cửa” các nơi để xác minh lại. Một năm qua, do dịch Covid-19 nên công tác xóa án tích cho người lầm lỡ ở Đông Anh được thực hiện rất hạn chế.

Nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong toàn huyện, đặc biệt là sự quyết tâm của Công an huyện Đông Anh, tính từ năm 2020 đến nay, đã có 218 người được xóa án tích, trở lại với cuộc sống đời thường và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trước đó, khi triển khai đề án xóa án tích cho người bị kết án tại huyện Đông Anh từ năm 2018 đến 2019, cũng đã có hơn 300 trường hợp được cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận xóa án tích trong tổng số hơn 600 trường hợp đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đông Anh được đánh giá là địa phương đi tiên phong trong toàn thành phố về vấn đề này.