Giữ lại dòng chảy lịch sử văn hóa các con sông định danh cho Hà Nội (3): Phải cứu bằng được những gì chưa mất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng. Nét đặc trưng của vùng địa lý Hà Nội là “Thành phố sông hồ” hay “Thành phố trong sông”. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự tăng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và diện mạo hiện đại của Hà Nội. Tuy nhiên do bất cập trong quy hoạch, sự không đồng bộ và quan điểm phát triển thiếu bền vững chú trọng nhiều đến yếu tố kinh tế, coi nhẹ bảo vệ và cải thiện cảnh quan và môi trường, cấp thoát nước, hiện nay gần như toàn bộ hệ thống sông nội đô Hà Nội bị ô nhiễm trầm trọng, thậm chí đã và đang biến thành những “dòng sông chết”. Các con sông nội đô trở thành những kênh tiêu nước thải không qua xử lý, dòng nước của chúng bị đổi màu làm biến dạng tính chất, cảnh quan và môi trường không khí bị ảnh hưởng ngày càng trầm trọng.
Sông Tô Lịch gần như ôm trọn nội đô nay đã ô nhiễm nghiêm trọng

Sông Tô Lịch gần như ôm trọn nội đô nay đã ô nhiễm nghiêm trọng

Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Phước Anh, giảng viên Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chuyên gia về các vấn đề kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan đô thị để góp thêm tiếng nói phản biện xã hội, nhằm giữ gìn cho thế hệ hôm nay và mai sau những di sản vô cùng quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho một Thủ đô văn hiến, để Hà Nội luôn là “Thành phố trong sông”.

- PV: Ký ức của ông về những dòng sông trong nội đô Hà Nội xưa và nay?

- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Phước Anh: Có rất nhiều con sông mọi người vẫn nói tới, nhưng có một con sông cổ không chắc các bạn có biết hoặc còn nhớ hay không - đó là sông Thiên Phù. Tất nhiên con sông này đã ngừng chảy từ lâu, nhưng đến gần đây vẫn còn lưu lại một số vết tích dưới dạng mương nước đứt đoạn mà tôi nhớ nằm dọc đường Lạc Long Quân, còn hiện nay đã bị xóa sổ sạch để xây các khu đô thị và chung cư mới…

Nhắc lại vậy để thấy, Hà Nội vốn là một Thủ đô có rất nhiều sông hồ. Hệ thống mặt nước này tạo thành những nét đặc trưng và điểm nhấn cảnh quan đa dạng không nơi nào có được. Đã có thời mạng lưới sông hồ của Hà Nội không chỉ là nguồn cung cấp nước hay thực phẩm quan trọng mà còn đóng vai trò hệ thống giao thông đường thủy nối kết Hà Nội với vùng miền lân cận. Các dòng sông và hồ nước, vì thế là thành phần không thể tách rời với sự hình thành và phát triển của Hà Nội.

Sông Hồng đương nhiên là con sông lớn nhất, nhưng do quá lớn và cũng khá dữ dội nên trong lịch sử nó tồn tại gần như một ranh giới địa lý hơn là tham gia nhiều vào đời sống văn hóa xã hội. Cái tên Hà Nội, hay thành phố bên trong dòng sông, chính là phản ánh mối quan hệ này. Những con sông bé hơn như Tô Lịch, Kim Ngưu hay sông Lừ, sông Sét… hiện diện một cách gần gũi hơn trong sinh hoạt người dân hàng ngày. Nói chung mỗi con sông đều có những câu chuyện riêng gắn liền với những hoạt động phong phú nhộn nhịp, mang đến cho Thăng Long hình ảnh trên bến dưới thuyền.

Tuy nhiên trong nội đô, không con sông nào quan trọng như sông Tô Lịch, bởi nó chảy khắp Hà Nội, qua rất nhiều vùng dân cư và cùng với đó trở thành bối cảnh cho biết bao sự kiện lịch sử. Xưa, đâu đâu cũng nhìn thấy nó. Vậy mà nay, nó bị lấp đi nhiều, dòng chảy thu hẹp và nhiều đoạn gần như biến thành một cái cống lớn lộ thiên. Theo thời gian, nhiều đoạn cống được ngầm hóa và như thế, thật sự là biết bao ký ức đã bị chôn vùi. Trong nghiên cứu cá nhân về hồ Tây, tôi đã chụp được rất nhiều đoạn sông Tô Lịch cạnh hồ Tây mà giờ đã bị cống hóa. Rất nhanh, chỉ quãng từ những năm 2015…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Phước Anh

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Phước Anh

- Nói như vậy có nghĩa là sức sống các dòng sông trong nội đô đã hình thành không gian văn hóa vùng trong Hà Nội, phải không thưa ông?

- Tôi đã đọc một số nghiên cứu nói rằng đến tận thế kỷ XVIII trong Kinh thành Thăng Long vẫn còn tồn tại nhà sàn. Nhiều ngôi đình đến giờ vẫn lưu vết mộng trên thân cột minh chứng cho cấu trúc nhà sàn một thời. Qua đó, ta có thể thấy được nước đã hiện diện nhiều đến thế nào trong đời sống cư dân khu vực. Ngay như với hồ Tây trước đây, ở một số đình, đền, chùa quan trọng thì lối tiếp cận chính là bằng đường thủy tức là từ mặt hồ chứ không phải từ đường bộ đi vào. Trên những bưu ảnh cổ vẫn còn lưu giữ hình ảnh cổng tam quan đền Quan Thánh với những bậc thang dẫn thẳng xuống nước. Ngay lối vào chùa Trấn Quốc từ đường Cổ Ngư ngày xưa cũng bé xíu và chỉ là lối vào phụ mà thôi.

Văn hóa vùng cũng từ đấy mà ra. Từ xưa, vùng đất ven hồ Tây đã đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nơi đây có nhiều làng nghề nổi tiếng như trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng hoa, làm giấy…; tất cả chúng đều cần đến nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và lưu thông. Đảm trách vai trò này không phải chỉ có hồ Tây mà còn có sự tham gia của cả một hệ thống sông ngòi và ao hồ nhỏ, đặc biệt là đoạn sông Tô Lịch chảy qua gần đó. Trong nhiều trường hợp, mối liên hệ với những mặt nước nhỏ này thậm chí còn mật thiết hơn, như nghề làm giấy ở làng Yên Thái với các lò nấu dó đắp bên sông Tô là một bằng chứng.

Sông Tô Lịch đoạn qua phố Thụy Khuê nay đã trở thành con sông “chết”, một ao tù dài vì mất nguồn

Sông Tô Lịch đoạn qua phố Thụy Khuê nay đã trở thành con sông “chết”, một ao tù dài vì mất nguồn

Trong nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ và khai thác các giá trị văn hóa ngày nay, đánh mất lịch sử cũng là đánh mất tiềm năng về du lịch, về sức hấp dẫn, về lợi thế thu hút cạnh tranh. Xét dưới góc độ này, chúng ta vô cùng phí phạm nếu so sánh với nhiều thành phố khác trên thế giới mà ở đó các con sông đã trở thành những tài nguyên cảnh quan lịch sử vô giá.

Chẳng nói đâu xa, một ví dụ mang tính hình mẫu hay được nhắc đến gần đây là con sông Cheonggyecheon ở Thủ đô Seoul - Hàn Quốc. Dài 5,8km và chảy qua khu trung tâm sầm uất với hàng loạt công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, Cheonggyecheon tưởng mãi mãi rơi vào quên lãng vì đã bị chôn lấp dưới những khối bê tông thì gần 50 năm sau, nó được khôi phục và trở lại tràn đầy sức sống. Về mặt nào đó, cảnh quan sông Cheonggyecheon tuy thế vẫn mang hơi hướng của một thẩm mỹ có phần “công nghiệp” vì nó khá cứng chứ không tự nhiên duyên dáng như các con sông chảy trong nội đô Hà Nội.

- Ký ức cộng đồng của ông về các con sông trong nội đô Hà Nội là gì?

- Chúng ta đều hiểu nước là nguồn sống. Thành phố nào cũng cần đến nước. Tuy nhiên với Hà Nội sự hiện diện của nước đặc biệt hơn nhiều nơi khác vì ta có thể thấy mặt nước ở bất cứ đâu, nay ao - kia hồ - đây sông. Trong sự giăng mắc đan xen này, những con sông nhỏ là yếu tố kết nối chính. Nhìn lại một số bản đồ cổ vốn được thể hiện ước lệ nhấn mạnh vai trò ý nghĩa hơn các kích thước vật lý, ta sẽ thấy sông Hồng hiện diện không nhiều như sông Tô. Tại nội đô, không con sông nào quan trọng bằng sông Tô Lịch, nhưng thực trạng của nó bây giờ phần thì cống hóa hoặc bị lấp, phần thì ô nhiễm hoặc mang dáng vẻ của những con kênh nhân tạo…

Trong lịch sử, các dòng sông luôn gắn liền với những đặc trưng văn hóa vùng. Những con sông nhỏ với cư dân như người bạn che chở, nuôi dưỡng, giúp điều hòa lũ lụt... Có thời điểm sông còn là một lớp tường thành, lớp hào bảo vệ. Xưa con người di chuyển bằng thuyền có khi còn nhiều hơn đi bộ, cùng với đó là các hoạt động tấp nập hai bên bờ, các con sông vì thế trở thành một không gian sinh hoạt chủ yếu đúng nghĩa. Chúng là hiện thân của ký ức cộng đồng. Giờ đây, quá trình đô thị hóa với những bận tâm thực dụng trước mắt làm chúng ta vô tình lãng quên hoặc cố tình “đánh mất” những ký ức này.

- Tôi tin chúng ta chưa quên, nhưng lại “đánh mất” đi rất nhiều tài nguyên một cách chóng vánh?

- Công bằng mà nói, quá trình đánh mất những tài nguyên cảnh quan và ký ức này đã bắt đầu không hoàn toàn chỉ do lỗi chúng ta. Ngày trước, sông Tô Lịch đoạn dọc đường Thụy Khuê được kết nối với các hào nước của thành Thăng Long rồi thông ra sông Hồng qua cửa Hà Khẩu trên phố Chợ Gạo. Người Pháp khi quy hoạch lại Hà Nội dựa theo mô hình đô thị duy lý kiểu phương Tây đã phá bỏ đi khá nhiều cấu trúc hữu cơ của đô thị phương Đông truyền thống lúc trước. Hình thái ô bàn cờ mà họ đưa vào dẫn đến việc lấp đi các hào nước, dòng chảy sông Tô do vậy bị chặn lại, con sông bị tù đọng, cạn dần và trở thành một “dòng sông chết”.

Không riêng sông Tô Lịch, quá trình đô thị hóa thời đó cũng đã lấp đi một lượng lớn ao hồ nhỏ trong nội thành. Về sau theo thời gian, do những đòi hỏi bức bối về nhu cầu diện tích cùng với những bất cập trong quản lý, hai bên dòng sông bị lấn chiếm và xây nhà san sát, chất thải sinh hoạt chảy ra khiến con sông trở nên ô nhiễm. Cuối cùng, chúng ta quyết định lấp đi những con sông đó vì sự ô nhiễm môi trường do chính chúng ta gây nên - đó là một thực tế thật đáng buồn.

- Theo ông, thực tế các dòng sông đã đến mức “chết” hẳn hay chưa?

- Thật ra ở đây “chết” là một khái niệm tương đối. Sông không chảy là con sông chết, nhưng con sông bị “cưỡng bức” đến độ ô nhiễm nghiêm trọng cũng có thể coi như những dòng nước “chết”, hoặc đang “hấp hối”. Các con sông trong nội đô Hà Nội đều đã hoặc đang mang ít nhiều các sắc thái trên. Trong tương lai, chúng ta hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, những điều đó dẫu sao cũng phụ thuộc hoàn toàn vào mục đích và ý chí của chính chúng ta.

- Con người gây ra thì cũng chính con người nên dừng lại và “sửa chữa” những sai lầm đó chứ?

- Chúng ta cần cứu lấy những dòng sông, trả lại tối đa cho chúng vẻ nên thơ và bảo tồn những vật chứng của ký ức tập thể, đó thực sự là điều nên làm. Không chỉ cho các thế hệ tương lai, mà cả cho chính chúng ta hiện tại. Trước đây, có những đoạn sông Tô Lịch chưa bị lấp hoặc biến thành cống ngầm, nếu gạt sang bên chuyện ô nhiễm thì đứng ở phía trong ngắm ta vẫn thấy một tiềm năng cực kỳ to lớn để đóng góp vào cảnh quan đô thị. Nhìn các con kênh hay sông nhỏ len lỏi trong lòng nhiều thành phố châu Âu chúng ta dễ bị rung động bởi vẻ đẹp tràn đầy lãng mạn và tinh tế, thế nhưng sông Tô Lịch của chúng ta thật sự nếu có ý thức gìn giữ sẽ đâu kém gì. Hơn nữa, còn nhiều thứ vượt lên trên vẻ đẹp thị giác, đó là những câu chuyện huyền thoại hay sự kiện lịch sử có thật gắn liền với dòng sông. Ngoài Tô Lịch các sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… ít nhiều cũng vậy. Có thể chúng ta không cần và cũng không thể phục hồi nguyên vẹn lại hoàn toàn, nhưng có thể phục hồi một phần theo những hình thức khác nhau để giúp gợi lên hay tái tạo lại ký ức.

- Chính tôi cũng vừa muốn chấp nhận sự ô nhiễm của các dòng sông như hiện nay vì chúng là những dấu tích xưa, lại vừa muốn cống hóa để che giấu dòng nước đen. Điều đó thật mâu thuẫn phải không?

- Sự tồn tại song song của mâu thuẫn này là hiển nhiên, nó phản ánh những xung đột lợi ích giữa “bảo tồn” và “phát triển”. Nó tồn tại mọi nơi mọi lúc, không chỉ riêng Việt Nam mà quốc gia nào cũng vậy. Chúng ta không thể gìn giữ được tất cả những gì thuộc về lịch sử, quá khứ, dù đó là các dòng sông hay công trình kiến trúc, cảnh quan. Chắc chắn không thể có chuyện cứ cái gì có giá trị thì cũng tìm cách bảo tồn cho bằng được. Điều quan trọng trong câu chuyện này là dù bảo tồn hay phát triển thì cái “được” phải lớn hơn phần “mất”, khi đó chúng ta mới làm. Vấn đề phức tạp là ở chỗ các nhìn nhận giá trị thường không giống nhau, cái được của người này đôi khi lại dẫn đến cái mất của người kia. Làm sao hài hòa được chúng là chuyện không đơn giản.

Sông, hồ có thể duyên dáng, thấm đẫm giá trị lịch sử nhưng ô nhiễm đến mức ngộp thở, đó là vấn đề nghiêm trọng trước mắt cần giải quyết ngay. Ở đây, mâu thuẫn đến từ những gì người ngoài cuộc có thể tán dương, nhưng cư dân trong cuộc lại đang phải chịu đựng. Họ cũng yêu cái đẹp hay những giá trị văn hóa lắm, nhưng trước tiên phải có được không khí trong lành cái đã. Hơn nữa, xung đột còn đến từ những lợi ích có thể nhìn thấy trước mắt và những thứ chỉ đạt được về lâu dài. Nếu không có một sự điều tiết thỏa đáng và kiên định ở tầm vĩ mô, sự thực dụng trần trụi sẽ thường xuyên thắng thế, đôi khi một cách tàn nhẫn.

- Vậy những lý do thật sự thuyết phục để cải tạo, khôi phục và giữ lại các dòng sông là gì?

- Lúc kinh tế còn khó khăn chúng ta thường đặt những lợi ích ngắn hạn và cấp bách lên đầu. Nhưng khi đời sống vật chất đầy đủ hơn, những giá trị lịch sử và tinh thần sẽ được đặt vào đúng vị trí của nó. Lúc này tôi tin chúng ta cần có cách nhìn khác bao quát hơn về các dòng sông, chứ không chỉ mỗi khía cạnh ô nhiễm hay lấn chiếm để rồi chăm chăm san lấp, bê tông hay cống hóa theo cách “bức tử” như trước.

Nói chung, khi đô thị phát triển đến một ngưỡng nào đấy, những đòi hỏi về một quá trình cân bằng và hài hòa sẽ dẫn chúng ta phải đối diện với khái niệm “phát triển bền vững”. Sự phát triển luôn cần đi kèm với việc cân nhắc gìn giữ và bảo tồn những yếu tố được cho là di sản cho cả các thế hệ sau. Nếu mất đi những di sản lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên và văn hóa có giá trị thì thành phố có thể vẫn hiện đại nhưng không còn gì đặc biệt nữa.

Chúng ta lấp sông có thể được một con đường, giải quyết được ô nhiễm, thêm chút quỹ đất...; nhưng một thành phố muốn trở nên đáng sống và thu hút được nguồn lực không chỉ cần sạch sẽ, tiện nghi hay cung cấp những cơ hội. Nó cần thú vị, quyến rũ, kích thích các mong muốn khám phá, tóm lại là nó phải đáng yêu để người ta muốn gắn bó nữa. Như thế thì những cư dân của nó mới mong muốn cống hiến, chứ không chỉ quan tâm trục lợi thành phố cho những lợi ích cá nhân.

Bảo tồn những dòng sông hay những yếu tố giúp duy trì ký ức đô thị, vì thế không chỉ mang đến những lợi ích văn hóa tinh thần trừu tượng thuần túy, mà chính là giúp đảm bảo tính cạnh tranh kinh tế lâu dài với các đô thị hay Thủ đô các quốc gia khác trên thế giới. Những dòng sông hay mặt nước nội đô là những yếu tố vô giá đóng góp vào hình ảnh thương hiệu của Thủ đô chúng ta!

- Trân trọng cảm ơn ông!

NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN: Không thể lấp sông!

Mọi dòng sông đều có vận mệnh của nó. Nhìn vào từng giai đoạn lịch sử suốt 2.000 năm, thế kỷ thứ X - XI - XII có thể coi là lúc sông Tô Lịch ở vào giai đoạn hào hoa, huy hoàng, rực rỡ. Giai đoạn mà người Kinh thành nói riêng, người Việt nói chung ký thác cả đời sống văn hóa tinh thần, đời sống kinh tế, đời sống quân sự vào dòng sông Tô.

Không thể lấp sông! Nhưng còn cứu sông thế nào? Tuy cho đến nay chưa có một giải pháp được thực hiện hiệu quả, nhưng tôi cho rằng cứu được hay không cứu được sông Tô Lịch trước hết người ta phải biết rõ “bệnh sử” của nó đã. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong mọi quá trình “khám, chữa bệnh”. Vậy mà tôi thấy chẳng ai chịu tìm hiểu cho hai năm rõ mười cả!

Vậy “bệnh sử” của sông Tô thế nào? Một chi tiết vô cùng quan trọng mà những người muốn “cứu” sông Tô phải biết, cho đến thế kỷ XVI - XVII - XVIII nước sông Tô vẫn “vừa trong vừa mát”. Tô Lịch lúc bấy giờ vẫn giữ được hệ thống luồng to lạch lớn. Chỉ khi người Pháp chiếm được thành Hà Nội, chính thức bắt tay vào quá trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam, sông Tô Lịch mới bắt đầu bị “bức tử”.

Chỗ này có một vấn đề về lý thuyết phải chú ý. Kinh đô Thăng Long - một “thành phố sông hồ” - đấy là mệnh danh của các giáo sĩ phương Tây. Alexandre de Rhodes còn so sánh Thăng Long với Vienna cơ mà. Đặc trưng nổi bật của thành phố này là nhiều mạch sông hồ, dẫn đến chỗ nào cũng có nước và lầy lội; quá thiếu thốn quỹ đất để xây dựng nên một thành phố theo quan niệm của các kỹ sư xây dựng đến từ Pháp. Người Pháp lại càng sợ môi trường ẩm thấp, đầy mầm bệnh truyền nhiễm ở tiểu vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới gió mùa như Hà Nội.

Mang văn minh từ cựu lục địa châu Âu đến để khai hóa thành phố này, người Pháp quyết tâm biến Hà Nội của sự lầy lội, cổ xưa, lạc hậu, trở thành “tiểu Paris phương Đông” thời bấy giờ. Lý thuyết cảnh quan của nước Pháp cho rằng “chúng ta không đến để nhìn vào tự nhiên những gì chúng ta thích trong tự nhiên. Chúng ta sẽ đi nhìn vào tự nhiên những gì quyến rũ chúng ta trong nghệ thuật”. Như vậy, họ đã mang theo cái được gọi là văn minh và nghệ thuật của châu Âu đến để quy hoạch cho Hà Nội theo cách mà họ muốn.

Thứ quyến rũ được người Pháp lúc đó phải là những gì đến từ châu Âu, giống hay na ná với nước Pháp, tư duy của thực dân là ở chỗ đó. Gần như phủ định tất cả dấu ấn cổ truyền của vùng đất thuộc địa. Thăng Long được người Pháp gọi là Kẻ Chợ, kinh đô của vương quốc Đằng Ngoài, thứ văn minh tre nứa, giờ phải chuyển sang gạch đá châu Âu. Tiếp nữa là giao thông từ đường thủy, sông hồ phải trở thành đường xá của châu Âu; thế thì người Pháp mới đúng là người mở đường, khai hóa. Cách mà người Pháp nâng đường cái quan thành đường quốc lộ, mở thêm hàng chục con đường trên nền những lối đi tắt thời phong kiến... tất cả đều xuất phát từ học thuyết của người cai trị.

Phải công nhận là với thuyết đó, người Pháp đã làm việc một cách rất bài bản. Đầu tiên, họ nghiên cứu kỹ dòng chảy của sông Tô Lịch. Những thông số ghi chép đã chỉ ra rằng, vùng Giang Khẩu (phố Chợ Gạo ngày nay) của sông Tô Lịch được sông Hồng bồi lắng lượng phù sa rất lớn. Việc bồi lắng ở cửa phân lưu này ngày càng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của cư dân quanh đó. Sử các đời Lý - Trần - Lê cũng đã chép, một số lần dân kinh thành phải khơi vét lòng sông. Đây là điểm tiên quyết để người Pháp đưa ra phương án đắp sông Tô từ Thụy Khuê qua các đường phố Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược, Ngõ Gạch… rồi tiến dần tiến dần ra đến chân cầu Long Biên ngày nay. Để lục địa hóa thành phố sông hồ này, một mặt họ lấp 2 cửa sông Tô, lấp lòng sông; một mặt mở đường, xây cầu, làm nhà trên những khu đất mới nhân tạo thành.

Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương, cái tên Tiểu Paris phương Đông bóng bẩy được cất lên từ đó, cũng là lúc, đặc trưng của thành phố sông (ville - fleuve) suốt 2.000 qua chính thức chấm dứt. Sông Tô Lịch trên thực tế chỉ còn giữ lại được 13,7km chiều dài. Chính vì thế mà thành phố sông, hồ này biến chất, làm “chết” luôn cả dòng sông mà đã ra đời cùng nó. Đây là một vấn đề có tính chất lý thuyết trong việc kiến tạo đô thị của người Pháp, tìm hiểu kỹ thì còn có nhiều kiến thức đô thị học rất quan trọng.

(Còn nữa)