"Giống lúa P6 gây ung thư" là tin đồn nhảm

ANTĐ - Đây không phải là lần đầu tiên ở Quảng Bình xuất hiện những tin đồn thất thiệt. Cách đây vài tháng, ở địa phương này cũng đã từng xuất hiện các tin đồn: Ăn dưa chuột, dưa hấu và thịt lợn... sẽ chết người, gây hoang mang dư luận.

Nhiều ngày nay, tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xuất hiện tin đồn ăn gạo của giống lúa P6 gây vô sinh và ung thư khiến hàng trăm nông dân sản xuất giống lúa trên trở nên điêu đứng vì không bán được sản phẩm.

Bác tin đồn giống lúa P6 gây ung thư

Giống lúa P6.

Đây không phải là lần đầu tiên ở Quảng Bình xuất hiện những tin đồn thất thiệt. Cách đây vài tháng, ở địa phương này cũng đã từng xuất hiện các tin đồn: Ăn dưa chuột, dưa hấu và thịt lợn... sẽ chết người, gây hoang mang dư luận.

Giống lúa P6 đột biến do Tiến sĩ Hà Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần, Viện cây lương thực, thực phẩm Việt Nam chọn tạo ra từ năm 2004 và trồng thử nghiệm hầu hết ở các tỉnh phía Bắc và cho năng suất cao, được nông dân ưa chuộng. Năm 2009, Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống lúa thuần - Viện cây Lương thực và Thực phẩm Việt Nam cung cấp cho huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) hơn 5kg để trồng thử nghiệm trên 500 m2 tại xã Lương Ninh, tại đây giống lúa này đã thích ứng nhanh, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Vụ hè thu năm 2011 là vụ thứ 5 mà huyện Quảng Ninh sử dụng giống lúa này vào sản xuất trên diện tích trên 250 ha. Với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với vụ sản xuất Hè-Thu, nhất là thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 75-85 ngày). Giống P6 đột biến là loại giống chạy lũ phù hợp với điều kiện thời tiết của miền Trung.

Theo kết quả đánh giá, năng suất bình quân của giống lúa này đạt 50-55 tạ/ha. Hiện nay, huyện Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình trồng thử nghiệm giống lúa P6 đột biến. Đây là một trong những nỗ lực, cố gắng của huyện trong việc tìm kiếm và thử nghiệm giống lúa mới phù hợp đất đai, thổ nhưỡng nơi đây nhằm rút ngắn thời gian sản xuất trong vụ Hè-Thu để tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết: “Vụ đông xuân 2010-2011, do thời tiết xấu nên thu hoạch chậm, ảnh hưởng đến vụ hè thu đến 10/6 mới xuống vụ. Huyện chủ trương đưa các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn vào sản xuất để chạy lũ. Đặc biệt chúng tôi đã đưa giống P6 vào sản xuất trên diện tích 250ha”.

Trước những thông tin thất thiệt ăn gạo giống lúa P6 đột biến gây vô sinh và ung thư được đồn thổi tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), đã làm cho nhiều nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè-Thu 2011 vô cùng điêu đứng vì không thể bán được lúa do mình sản xuất ra. Các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là Chi cục quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc để kiểm tra làm rõ và khẳng định đó chính là hoang tin.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Đây là giống lúa được Tiến sĩ Hà Văn Nhân, Viện cây lương thực tạo ra năm 2004 và được sản xuất ở nhiều địa phương. Năm 2009, Quảng Bình đưa vào sản xuất đến nay có rất nhiều triển vọng. Một lần nữa tôi khẳng định, đây là những thông tin thất thiệt”.

Không chỉ riêng ở Quảng Bình, mà thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra không ít những tin đồn ác ý.

Tháng 8/2007, các nhà vườn ở ĐBSCL thiệt hại nặng nề bởi tin đồn ăn bưởi gây hại cho sức khoẻ tràn ngập khắp nơi.

Tháng 12/2010, tin đồn ăn cá kèo gây ung thư xuất hiện ở Bạc Liêu, Cà Mau khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở đây không bán được sản phẩm.

Tháng 4/2011, cá rô đầu vuông - một loại cá đặc trưng của ĐBSCL dính tin đồn ăn vào sẽ bị ung thư, khiến cho người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay.