Công nghiệp văn hóa thúc đẩy Thủ đô phát triển bền vững

Giới trẻ là chủ thể để xây dựng “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xây dựng mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ là sáng kiến ở cấp độ quốc tế mà Hà Nội đang bắt tay vào thực hiện khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc). Với sáng kiến này, Thủ đô đặt vai trò của đội ngũ sáng tạo, thiết kế trẻ làm trung tâm của mọi hoạt động, nhằm xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

LTS: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Năm 2020 vừa qua, Thủ đô Hà Nội tròn 1.010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu trong 4 năm nữa ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP, trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, thành phố đang triển khai các sáng kiến đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, trong đó tích cực tổ chức hoạt động thiết kế sáng tạo nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng...

Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...” thuộc chuỗi sự kiện “Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo” của dự án Hà Nội Rethink do UNESCO, UN-Habitat, UNIDO hỗ trợ Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, sử dụng di sản văn hóa

Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...” thuộc chuỗi sự kiện “Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo” của dự án Hà Nội Rethink do UNESCO, UN-Habitat, UNIDO hỗ trợ Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, sử dụng di sản văn hóa

Những người phát triển đô thị trong tương lai

Với vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo về thiết kế” vào năm 2019. Danh hiệu này khẳng định vị trí tiên phong của Thủ đô trong việc đặt văn hóa, đổi mới và sáng tạo làm trung tâm thúc đẩy phát triển bền vững của Thăng Long nghìn năm văn hiến. Để hiện thực hóa điều này, chắc chắn vai trò của những người trẻ đầy khát vọng sáng tạo là điều không cần bàn cãi. Ông Jonghyo Nam - Quyền Trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam (Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc) nhận định, các thành phố đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên thế giới có phần lớn dân số là giới trẻ. Nhóm dân số này dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm 60% các khu định cư thành thị.

Do đó, cục diện phát triển đô thị trong tương lai về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường phụ thuộc hoàn toàn vào thanh niên. “Chúng tôi tin rằng, nhóm dân số đầy tiềm năng này của Việt Nam sẽ là những người lãnh đạo sự phát triển hiện tại và tương lai. Do đó, thanh niên Việt Nam cần được trao quyền với tư cách là thành phần cốt lõi của một sự thay đổi mang tính chuyển hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam” - Quyền Trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam nhấn mạnh.

Nhận thức rõ vai trò của người trẻ trong xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội đã đề xuất sáng kiến ở cấp độ quốc tế về xây dựng mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Hiện nay, thành phố đã và đang bắt tay vào tổ chức hàng loạt các hoạt động để thực hiện sáng kiến này như tổ chức phát động nhiều cuộc thi “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022”, “Hà Nội sáng tạo”, cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là...”, phát động “Liên hoan Sáng tạo và thiết kế Việt Nam lần thứ tư - năm 2022”… nhằm tạo ra sân chơi để người trẻ thể hiện tài năng, đề xuất các ý tưởng đóng góp cho Hà Nội. Đồng thời thúc đẩy hợp tác đa bên để tạo ra một môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và hình thành các không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội nói riêng mà còn cho cả nước nói chung.

Không gian làm việc chung tại không gian sáng tạo Creative lab by up (Lương Yên, Hai Bà Trưng)

Không gian làm việc chung tại không gian sáng tạo Creative lab by up (Lương Yên, Hai Bà Trưng)

Cơ hội cho những ý tưởng mới

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Từ đó đến nay, thành phố đã xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết nhằm thực hiện các sáng kiến Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025 gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo. “Hiện nay, Hà Nội đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc thi, các sự kiện hướng tới mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối các doanh nghiệp, hướng đến các sản phẩm có giá trị đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố. Xuất phát từ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế và thực hiện kế hoạch của thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi sáng tạo nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, các gương mặt mới để tôn vinh và đưa ý tưởng ra thực tế” - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói.

Là một trong những đơn vị tích cực phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”, ông Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho biết, không chờ đến khi cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” được phát động, từ năm 2019 khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã định hướng, gợi ý, khuyến khích sinh viên làm các đề tài sáng tạo về Hà Nội. Đến nay, khi 2 đơn vị có buổi ký kết hợp tác, cơ hội đã mở ra rộng hơn cho sinh viên.

“Nếu như trước đây nhà trường chủ động định hướng thì nay đã có thêm sự đồng hành của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Nhờ đó, các sản phẩm thiết kế của sinh viên sẽ được lựa chọn, trưng bày ở các không gian nghệ thuật công cộng của Thủ đô. Từ đó, sản phẩm của sinh viên đến với công chúng sẽ rộng hơn. Các làng nghề, doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn sản phẩm của sinh viên để ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời, các em được hướng đến các ý tưởng mới độc đáo trong kiến tạo không gian, thiết kế sản phẩm cho Hà Nội. Các ý tưởng sẽ dựa trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghệ hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, để tạo nên những không gian lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng” - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chia sẻ.

Vào năm 2023, Hà Nội sẽ báo cáo kết quả đạt được về những cam kết đưa ra khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Bằng các biện pháp đồng bộ từ chủ trương, chính sách cho tới các hoạt động cụ thể, Thủ đô đang từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội): Xây dựng thành phố sáng tạo từ nguồn lực văn hóa

Hà Nội có hệ thống di tích dày đặc với 5.922 di tích. Trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia và 1.441 di tích thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất lớn với 1.793 di sản, trong đó có 5 di sản phi vật thể UNESCO, 26 di sản phi vật thể quốc gia, 76 nghệ nhân do Chủ tịch nước phong tặng. Ngoài ra, Hà Nội có 1.350 làng nghề, làng có nghề, chúng ta có một nền văn hiến lâu đời với văn hóa, cốt cách của người Tràng An hào hoa, thanh lịch.

Chúng ta cũng sở hữu nguồn lực văn hóa, cơ cấu dân số vàng cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo tạo động lực để Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Khi gia nhập mạng lưới này, Hà Nội cam kết thực hiện 3 sáng kiến ở cấp độ địa phương là: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chương trình truyền hình “Tài năng sáng tạo Hà Nội”. 3 sáng kiến ở cấp độ quốc tế là: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; diễn đàn “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á; Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Hà Nội đã ban hành các chính sách, kế hoạch thực hiện nhằm từng bước xây dựng thành phố sáng tạo như kết nối truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo; hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ; triển khai đầy đủ các sáng kiến Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hà Nội đã tổ chức tọa đàm cấp cao, tham vấn sáng kiến “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” do UBND TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức; hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội” do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức; tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức; các cuộc thi, liên hoan sáng tạo; tuần lễ thiết kế sáng tạo... Các công việc trọng tâm Hà Nội sẽ thực hiện 2022-2023 là phát động cuộc thi “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022” (Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022); hội thảo khoa học quốc tế “Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo - kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực” (dự kiến tháng 10-2022); tổ chức “Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022” (dự kiến tháng 11-2022); xây dựng đề án và kế hoạch tổ chức “Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á” (dự kiến tổ chức trong năm 2023). Thanh Xuân (Ghi)

KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cần sự hỗ trợ cho các ý tưởng sáng tạo

Chúng ta có nhiều cuộc thi, nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng điều đáng buồn là đa phần các ý tưởng vẫn còn nằm trên giấy. Người Việt hay làm việc theo kiểu noi gương, thấy tốt mới làm theo. Những người sáng tạo không chỉ loay hoay tìm tòi nhiều ý tưởng mới mà còn cần năng động, tiếp cận với các doanh nghiệp để đưa ý tưởng ra thực tế. Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ta cần tạo ra các khu vực điển hình, các không gian sáng tạo mới cho Hà Nội. Đại học Quốc gia có hàng nghìn hecta trên Láng Hòa Lạc, rộng bằng quận Cầu Giấy, nhưng đến nơi vẫn chỉ thấy những đồi chè rất đẹp. Năng lực sáng tạo còn hạn chế và đó là điều đáng tiếc.

Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019 Thủ đô tiếp tục đón nhận thêm danh hiệu “Thành phố sáng tạo”. Chúng ta có những không gian mặt nước rất lớn, có những làng trong đô thị, có những di tích lịch sử, có hồ Gươm. Các ý tưởng sáng tạo thiết kế không gian công cộng phải thể hiện được bản chất của Hà Nội với những đặc trưng rất riêng, được xây dựng dựa trên nguồn lực văn hóa vốn rất đa dạng của Thủ đô. Các ý tưởng sẽ rất cần sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân để đầu tư cho sáng tạo. Dù chỉ là một ý tưởng được đưa vào thực tế cũng đã là điều rất đáng mừng.

Những năm qua, quận Hoàn Kiếm nổi lên như một điểm sáng về tập hợp đội ngũ sáng tạo, làm nên các không gian nghệ thuật cho người dân tới tận hưởng, cải tạo các tuyến phố, không gian cũ, thay đổi diện mạo của các khu phố. Ở quận Hoàn Kiếm có những tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào làm thật, đưa các ý tưởng từ trang giấy ra không gian thực tế. Tôi biết, ý chí của quận Hoàn Kiếm muốn biến khu vực xung quanh hồ Gươm thành thủ phủ của sự sáng tạo. Và tôi luôn mong ý chí này sẽ thành hiện thực với những khát vọng sáng tạo, đổi mới.