Giật mình chiêu trò thu nợ lãi suất cao mang tên “Tháp giải pháp”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với tên gọi rất kêu, ổ nhóm tội phạm trá hình Công ty Luật TNHH Pháp Việt xây dựng cơ chế đòi nợ “Tháp giải pháp”, đưa ra 3 cấp độ để đòi tiền.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công an tổ chức Hội nghị hội ý nghiệp vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan doanh nghiệp, công ty luật.

Tội phạm “tín dụng đen” thay đổi phương thức hoạt động

Thông tin tại hội nghị, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết, năm 2022, tại các tỉnh, thành phía Nam xảy ra 105 vụ cưỡng đoạt tài sản, liên quan 227 đối tượng, trong đó 43 vụ, 86 đối tượng từ “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.

Ban chuyên án khám xét tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt

Ban chuyên án khám xét tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt

Để cưỡng đoạt tài sản người vay, các đối tượng cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm, thậm chí cả người thân, đồng nghiệp. Chúng sử dụng sim rác, gọi bằng phần mền trên máy tính, sử dụng tài khoản giả mạo, ẩn danh nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố, đe dọa, cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm, truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội để đăng tải, gây áp lực trả nợ. Nhiều vụ việc vu khống, xúc phạm cả hiệu trưởng, giáo viên các trường, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước.

Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự thông tin về tình trạng các đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp, như: công ty tài chính, mua bán nợ, công ty/văn phòng luật,… Các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên, thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận để vận hành hoạt động với nhiều công đoạn tuyển dụng, đào tạo, quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng cáo, tư vấn, thẩm định, giải ngân các gói vay, nhắc nợ, đòi nợ hoạt động trong phạm vi rộng lớn, không giới hạn địa lý trong toàn quốc.

Thậm chí, các đối tượng, đường dây móc nối với các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ, sau đó giao nhân viên đòi nợ, hưởng lợi từ 10-15% số tiền nợ.

Trong quý I-2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều, gồm: TP Hồ Chí Minh (16 vụ), Hà Nội (7 vụ), Thanh Hóa (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Đắk Lắk (5 vụ)… Qua các chuyên án, vụ án đã nhận diện rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng, chỉ ra sự thay đổi phương thức hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đòi nợ truyền thống chuyển hướng sang móc nối các đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất trên 1.000%/năm; hoặc mua lại các khoản nợ khó đòi của các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố nhằm hưởng phần trăm.

Một chuyên án điển hình

Đó là chuyên án được Công an tỉnh Tiền Giang xác lập, phối hợp với các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh điều tra khám phá, liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh).

Đến thời điểm này, CQĐT đã khởi tố 54 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, những đối tượng chính là Trần Văn Châu (SN 1980) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987), cùng trú tại TP Hồ Chí Minh, cùng là Phó Giám đốc); 20 trưởng phòng, nhóm trưởng, 1 thư ký và 31 nhân viên.

Theo điều tra, năm 2019, anh N.V.B. (SN 1986, trú ở thị xã Cai Lậy) vay ngân hàng số tiền 50 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả. Tháng 7-2022, ngân hàng này chuyển hợp đồng vay của anh B. qua cho Công ty Luật TNHH Pháp Việt để đòi thuê. Nguyễn Thanh Hải (SN 1988), là trưởng nhóm quản lý 14 nhân viên, phụ trách đòi nợ. Hà Thị Hiệp (SN 1990) là nhân viên trực tiếp đòi nợ. Hải và Hiệp được công ty giao đòi nợ hợp đồng vay tiền.

Thời gian đầu, Hiệp điện thoại… đe dọa đòi giết con, người thân của nạn nhân. Lo sợ, anh B. đã trả cho ngân hàng số tiền 10 triệu đồng. Do anh B. không tiếp tục trả nợ, Hiệp sử dụng nhiều số điện thoại nhắn tin, gọi điện đe dọa anh B. và gia đình. Hiệp và Hải sử dụng nhiều thủ đoạn truy tìm thông tin người thân nạn nhân. Có được thông tin con gái của anh B. đang học tại Trường tiểu học Phan Văn Kiêu, Hiệp sử dụng 3 số điện thoại di động gọi điện, nhắn tin cô chủ nhiệm và Ban Giám hiệu yêu cầu cho cháu bé nghỉ học để gia đình giải quyết nợ. Hiệp còn đe doạ nếu không chấp nhận, sẽ không để yên cho gia đình các giáo viên.

Ngày 27-10-2022, Hiệp gọi cho cửa hàng gas ở thị xã Cai Lậy, yêu cầu giao bình gas đến Trường tiểu học Phan Văn Kiêu rồi điện thoại cho cô giáo ra nhận nếu không sẽ cho… nổ cả trường.

Xác định tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 14-2, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành khám phá chuyên án, triệu tập 133 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Cơ quan điều tra khám xét trụ sở chính và 2 chi nhánh của công ty, thu giữ các tài liệu, chứng cứ, thiết bị liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại nhiều tỉnh, thành.

Thời điểm khám phá chuyên án, công ty có hơn 200 nhân viên, do Lê Thị Tuyết (SN 1985) làm Giám đốc. Công ty có 2 trưởng phòng kiêm nhóm trưởng, 20 nhóm (mỗi nhóm có nhóm trưởng và từ 7 đến 22 nhân viên). Châu và Hùng – 2 phó giám đốc - trực tiếp điều hành công ty và cầm đầu băng nhóm tội phạm. Còn Tuyết là luật sư được thuê đứng tên làm Giám đốc.

Công ty Luật TNHH Pháp Việt đăng ký hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. Công ty không thực hiện đúng chức năng đăng ký kinh doanh, không có chức năng đòi nợ thuê nhưng tổ chức tuyển dụng lao động phổ thông. Nhân viên khi vào làm việc tại công ty được Ban Giám đốc, các trưởng phòng và các nhóm trưởng hướng dẫn các thủ đoạn đe dọa, khủng bố để đòi nợ.

Theo lời khai của Châu và tài liệu đã thu thập, Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với 6 ngân hàng và công ty tài chính, với tổng số hơn 2,5 triệu hợp đồng khách hàng vay. Công ty được hưởng lợi từ 24% đến 35% số tiền đòi được. Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho các thành viên trong nhóm.

Các trưởng nhóm hướng dẫn nhân viên đòi nợ theo “Tháp giải pháp”, gồm 3 cấp độ: Cấp độ 1, gọi điện thoại đe dọa trả tiền. Cấp độ 2, gọi điện thoại đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm. Cấp độ 3, mang quan tài đến nhà, cơ quan tổ chức, đặt bình gas, xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, qua các chuyên án, vụ án khám phá đã nhận diện đúng phương thức thủ đoạn, chỉ ra sự thay đổi phương thức của các đối tượng hoạt động, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đòi nợ truyền thống chuyển sang móc nối với đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua app; nay chuyển hướng sang mua lại các khoản nợ khó đòi của một số chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố. Các đối tượng chuyển từ hình thức đòi nợ truyền thống sang hình thức kết hợp giữa đòi nợ truyền thống với sử dụng công nghệ cao.

Về bản chất, đây là các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để phạm tội, có sự phân công thành các bộ phận, có sự chỉ đạo theo nhiều cấp, có hoạt động tuyển dụng với hàng trăm nhân viên, đào tạo, khống chế nhân viên thực hiện các quy định ràng buộc. Các đối tượng soạn thảo, phổ biến giải pháp đòi nợ bằng mọi thủ đoạn nguy hiểm để đe dọa, uy hiếp tinh thần “con nợ”, với nhiều cấp độ khác nhau.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSHS đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để đấu tranh, triệt tiêu các ổ nhóm, phương thức tội phạm gây nhức nhối, bức xúc dư luận này.