Giành lợi thế khi biết vận dụng thực tế

ANTĐ - Ngày 9-7, hơn 575.000 thí sinh trên cả nước đã hoàn thành 2 môn thi đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ 2014 với các khối B, C, D và năng khiếu. Đề thi năm nay ra theo đúng định hướng tăng cường tính thực tiễn, hạn chế học thuộc lòng.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại hội đồng thi trường Đại học Văn hóa, Hà Nội

Mang tài liệu - không sử dụng cũng bị đình chỉ thi

Tại Hội đồng thi Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, ngay buổi thi đầu tiên đã có 4 trường hợp bị khiển trách vì nhìn bài thi và 3 trường hợp bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu quay bài. Trong khi đó, ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí – Tuyên truyền cho biết, trong buổi sáng 9-7, các địa điểm thi của trường đã đình chỉ 3 trường hợp vì mang điện thoại vào phòng thi và sử dụng tài liệu ở môn thi Địa lý. Tại điểm thi ở Học viện Báo chí-Tuyên truyền, 2 thí sinh đã bị lập biên bản và đình chỉ thi. Sau 2/3 thời gian làm bài thi, giám thị phát hiện các thí sinh này mở tài liệu ra để so sánh đối chiếu kết quả.

Bà Đinh Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, năm nào thí sinh thi khối C cũng xảy ra tình trạng quay cóp, hỏi bài. Tôi rất ủng hộ cách ra đề mở của Bộ GD-ĐT. Đề thi năm nay đổi mới sẽ góp phần hạn chế tình trạng học thuộc lòng cũng như quay cóp của thí sinh đối với các môn xã hội, đồng thời phát huy sự sáng tạo của thí sinh, vì lâu nay giáo dục Việt Nam vẫn bị đánh giá là rất yếu trong việc gắn kết thực tế với kiến thức trong nhà trường.

Kết thúc buổi thi cả nước có 98 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 27 thí sinh, cảnh cáo 2 trường hợp và đình chỉ 69 thí sinh. Tình trạng đến thi muộn đáng tiếc vẫn diễn ra khi các điểm thi báo cáo có 5 thí sinh đến muộn không được dự thi.

Đề thi bám sát thời sự Biển Đông

Tại Hội đồng thi Học viện Báo chí - Tuyên truyền, không ít thí sinh ra khỏi phòng thi khá sớm với gương mặt rạng rỡ vì làm được bài. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi Địa lý năm nay không quá khó với 2 câu hỏi liên quan đến biển đảo. Thí sinh Nguyễn Lan Anh, từ Nam Định dự thi tại hội đồng thi này cho biết, em làm được hết các câu hỏi. “Câu hỏi trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng rất hay và vừa sức, vì đây là vấn đề thời sự suốt mấy tháng nay được cả xã hội quan tâm”- thí sinh Nguyễn Lan Anh cho biết. 

Với đề Lịch sử chiều 9-7, TS Nguyễn Quang Liệu, giảng viên Đại học  KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhận xét: “Đề thi Lịch sử năm nay đặc biệt rất hay, có tính mới mẻ và sáng tạo, không đặt nặng về học thuộc kiến thức mà thiên về phân tích, tư duy trên cơ sở nắm được bài”. TS Nguyễn Quang Liệu dẫn chứng ở câu 4 hỏi về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  ASEAN, nhưng không đi theo lối mòn hỏi kiểu cũ về quá trình hình thành, ra đời, vai trò, chức năng của ASEAN, mà liệt kê các sự kiện để cho thấy quá trình phát triển, biến đổi của các nước khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai “Đặc biệt là câu liên hệ về vai trò, vị trí và chức năng của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình khu vực như thế nào là câu hỏi rất hay vì có tính liên hệ với thực tế vấn đề đấu tranh phức tạp trên Biển Đông và vấn đề an ninh khu vực đang rất nóng bỏng hiện nay. Câu hỏi này nếu chỉ học trong sách vở thì khó trả lời đúng và hay, mà buộc học sinh phải đọc thêm ở ngoài, nắm bắt được các vấn đề thời sự để đưa vào phân tích, bình luận trong bài” – TS Nguyễn Quang Liệu đánh giá.

Với khối D, đề thi Toán không dễ để làm trọn vẹn. Thí sinh Nguyễn Hà Phương, tỉnh Hà Nam, dự thi ĐH Công đoàn cho biết đề thi với em khó và dài khi có tới 9 câu hỏi: “Cấu trúc đề thi năm nay có điểm khác là không có phần tự chọn. Tuy nhiên, với thí sinh khối D, chúng em không hy vọng làm hết môn Toán. Bản thân em chỉ làm được khoảng 70% đề thi và tự chấm chỉ được 5 hoặc 6 điểm”. Ngày 10-7, các thí sinh sẽ kết thúc đợt II kỳ thi đại học trong buổi sáng với môn thi chung Ngữ văn và Hóa học.