Giáng Son "phản ứng" khi Tùng Dương làm mới "Nơi đảo xa" ​

ANTD.VN - Lần đầu tiên thể hiện cùng lúc 2 bản phối khác nhau của ca khúc “Nơi đảo xa”, một theo phong cách Acoustic và một mang âm hưởng Jazz Blue, Tùng Dương nhận nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. 

Lần đầu tiên thể hiện cùng lúc 2 bản phối khác nhau của ca khúc “Nơi đảo xa”, một theo phong cách Acoustic và một mang âm hưởng Jazz Blue, Tùng Dương đã khiến Giáng Son phải cất lời “xin lỗi”.

 

Phần trình diễn đặc biệt và gây tranh luận này nằm trong chương trình “Giai điệu tự hào tháng 9” với chủ đề “Bám biển quê hương” phát sóng vào 20h45 ngày 25-9 trên kênh VTV1.

Theo đó, lần đầu tiên trong chương trình “Giai điệu tự hào”, có một ca khúc được thể hiện với 2 phiên bản khác nhau đó là bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Ca khúc này được nhạc sĩ Thanh Phương phối theo 2 phong cách khác nhau – một Acoustic và một Jazz Blue. Ca sĩ Tùng Dương là người đảm nhận phần trình diễn cả hai bản phối này.

Ở bản phối “Nơi đảo xa” theo phong cách Acoustic, Tùng Dương thể hiện cùng nhiều chiến sĩ hải quân trong không gian âm nhạc nhẹ nhàng thư thái nhưng không kém phần sâu lắng. Với phiên bản này, Tùng Dương đã mang đến cho người nghe cảm nhận về tình yêu Tổ quốc lớn lao.

Trong khi đó, ở bản phối theo phong cách Jazz Blue, lần đầu tiên những giai điệu réo rắt, quyến rũ của dòng nhạc này được đưa vào một ca khúc nhạc đỏ như “Nơi đảo xa”. Sự sáng tạo, cá tính và bùng nổ trong giọng hát của nam ca sĩ này như có “đất dụng võ”. Vì thế, tuy nghe lạ lẫm nhưng rất đông thành viên trong Hội đồng bình luận cho rằng Tùng Dương đã thể hiện một cách xuất sắc “Nơi đảo xa” theo phong cách này. Phần trình diễn của anh cũng được đánh giá là khám phá đầy tính đương đại khiến người nghe bị cuốn hút, chìm đắm trong giai điệu bài hát này.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, với hai bản phối, bản một nhắc lại quá khứ vừa lãng mạn và hào hùng còn bản thứ hai lại cất lên tiếng nói của thế giới. Đây thực sự là một món quà đắt giá mà không chỉ riêng Tùng Dương, nhạc sĩ Thanh Phương mà cả chương trình “Giai điệu tự hào” dành tặng những cho khán giả yêu ca khúc “Nơi đảo xa”. Nhà báo Vũ Thanh Hường cũng khen ngợi phiên bản 2 với phong cách Jazz blue giống như “sự dằn của những cơn bão biển, của những cuộn sóng trồi lên”. 

Khi vừa biểu diễn xong ca khúc này, Tùng Dương chia sẻ anh không chỉ thấy mình may mắn mà còn hiểu sự kỳ vọng của những người đi trước đặt lên mình. Nam ca sĩ cho biết anh hiểu trách nhiệm cũng như sứ mệnh của người trẻ thông qua những bài hát bất hủ như “Nơi đảo xa”.

“Bài hát Nơi đảo xa khi được các cựu chiến sĩ tàu Không số hát cùng, tôi thấy lâng lâng và xúc động trước phần hòa giọng của các bác cùng đàn ac-coóc – đê-ông, và thấu hiểu được giá trị của bài hát sống với thời gian” – Tùng Dương tâm sự. Nam ca sĩ cũng giải thích thêm rằng nếu như phiên bản đầu tiên anh muốn đưa những người từng ở đảo, sống bám đảo, chiến đấu với đảo hát cùng, thì phiên bản 2 mang nơi đảo xa đến với cuộc sống đương đại hơn, với người trẻ. Cả hai phiên bản “tĩnh” và “động” với 2 tinh thần khác nhau.

Tuy nhiên, sau phần trình diễn của Tùng Dương ở cả 2 bản phối, nhạc sĩ Giáng Son đã cất lời xin lỗi Tùng Dương khi chị chọn phiên bản 1. Tác giả “Giấc mơ trưa” giải thích lý do chị chọn “Nơi đảo xa” phối theo phong cách nhạc Acoustic là vì “lời và nhạc cần đi với nhau”.

Trước đó, với chủ đề “Bám biển quê hương”, chương trình “Giai điệu tự hào tháng 9” đã đem đến cho người nghe không chỉ những bài hát ngợi ca biển đảo quê hương Việt Nam mà còn là cả những câu chuyện về những người dân giữ biển, cũng là những người lính, những “ngọn hải đăng sống” bảo vệ hải phận đất nước để giữ nguyên bờ cõi.

Mở đầu cuộc hành trình ấy là ca khúc “Hò biển” – một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường do nhóm VK_ trình diễn. Phần trình diễn này được nhận định là mang đậm chất liệu dân gian về những con người miền biển. Với ý kiến riêng của nhạc sĩ trẻ Thanh Phong, sự hào sảng đầy nhiệt huyết trong “Hò biển” đã được đẩy mạnh hơn khi nhạc sĩ Thanh Phương phối Rock kết hợp tiếng đàn tranh trên nền trống. Tiết tấu nặng và mạnh của nhạc Rock trở nên hết sức ấn tượng. Bên cạnh đó, dàn đồng ca làm cho khúc hò trở nên hào hùng, khí thế hơn, nhưng vẫn giữ được cái hồn của tình yêu biển quê hương trong ca khúc.

Ca khúc “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” do nhạc sĩ Huy Du sáng tác và ca sĩ Vũ Thắng Lợi biểu diễn lại không có thay đổi nhiều về chất liệu âm nhạc so với bản gốc, chỉ được nhạc sĩ Thanh Phương phối thêm tiếng đàn solo mang đầy tính tâm sự. Giai điệu da diết đầy cảm xúc của ca khúc này đã được thể hiện tròn trịa bởi giọng hát của Vũ Thắng Lợi.

Nhạc sĩ Văn Ký bùi ngủi chia sẻ, cách đây hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Huy Du đã cho ra đời sáng tác đẹp mang tính thời sự, âm điệu như thơ nhưng rất trẻ trung và logic. Ông cũng xúc động khẳng định: “Chúng ta sẽ giữ đất đai quê hương trong bất kỳ tình huống nào, không ai có thể đụng đến được, dù cả sau này”.

Cũng trong chương trình, “Khúc tâm tình người Hà Tĩnh” – ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác dựa trên thơ của tác giả Hà Nhật đã được thể hiện bởi ca sĩ trẻ Đông Hùng. Từ khi ra đời, bản thân bài thơ gốc đã mang trong mình yếu tố lãng mạn mà hào hùng khi thể hiện tâm thế của người lính trên chuyến tàu Không số vào Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy khi phối lại ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Phương đã quyết định phối lại theo phong cách Acoustic với tiếng guitar mộc. Riêng với Đông Hùng, càng ngày anh càng cho khán giả thấy được sự trưởng thành của mình trong âm nhạc qua cách xử lý bài hát.

Bài hát “Nha Trang mùa thu lại về” do nhạc sĩ Văn Ký sáng tác và ca sĩ Ngọc Anh được biết đến là một trong bốn bài hát nổi tiếng về thành phố Nha Trang xinh đẹp. Bài hát được nhạc sĩ sáng tác từ năm 1959 và từng được rất nhiều thế hệ ca sỹ đã thể hiện. Xuất hiện trong “Giai điệu tự hào” tháng 9, ca sĩ Ngọc Anh với chất giọng dày, truyền cảm cộng với cách phối mới mẻ đã mang đến hơi thở mới cho bài hát. Đặc biệt, hình ảnh về thành phố Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa sẽ hiện lên trong tâm trí người nghe qua tiếng kèn Saxophone ở các đoạn nghỉ.

Nhạc sĩ Văn Ký chia sẻ, sau giải phóng năm 1975 khoảng 3 tháng, ông có một chuyến đi xuyên Việt. Khi đến bờ biển Nha Trang nhìn thấy cảnh đẹp, một miền đất rất lạ và một bờ biển đẹp đến nao lòng, ông đã viết nhạc ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về” trong vỏn vẹn nửa ngày.

“Ca khúc đánh dấu một sáng tác chuyển từ chiến tranh sang hòa bình. Các âm điệu du dương, đẹp, thơ mộng và lãng mạn. Tôi đã nghe Ngọc Anh hát, tôi thấy rất hài lòng về phần biểu diễn. Âm nhạc có sức khái quát lớn, qua Nha Trang mình nói về đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, không có căng thẳng. Mùa thu lại về không phải chỉ nói về mùa thu của thiên nhiên, mà là cách mạng đã trở về với Nha Trang và với Đảng. Có người từng hỏi, mùa thu của Nha Trang rất ngắn và không rõ ràng, vậy tác giả muốn nói điều gì qua bài này? Tôi cũng trả lời như vậy”, vị nhạc sĩ già chia sẻ.

Ca khúc “Biển sáng” (sáng tác Phạm Trọng Cầu - Trịnh Công Sơn, biểu diễn Phương Anh) được thể hiện trong “Giai điệu tự hào tháng 9” lại là một bản phối khá lạ khi nhạc sĩ Thanh Phương thêm một chút tiết điệu đoạn đầu và chuyển sang điệu Bossa Nova ở phần 2, tạo cảm nhẹ nhàng và một chút tươi sáng hơn so với các bản phối khác. Bên cạnh đó là giọng hát trong trẻo, dạt dào cảm xúc của Phương Anh làm cho người nghe cảm thấy 1 tình yêu nhẹ nhàng, thuần khiết với biển.

Cùng đó, ca khúc “Bám biển quê hương” (sáng tác Phạm Tuyên, biểu diễn Nhóm Belcanto) cũng nhấn mạnh vào tình yêu quê hương đất nước. Không cần thay đổi nhiều về cảm xúc giai điệu và cách hát, nhạc sĩ và ca sĩ thể hiện chỉ cần nói lại tâm sự của bài hát bằng trái tim, tình cảm và suy nghĩ của thời hiện tại cũng cho thấy được sự hào sảng của bài hát.

Sau nửa thế kỷ ra đời, nghe lại ca khúc với một cách phối khác lạ hơn tại trường quay “Giai điệu tự hào”, nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động, ông chia sẻ: “Bài hát này tôi viết đã nửa thế kỷ, khi ấy là mùa thu năm 1964, Mỹ đe dọa chúng ta nhiều cả trên không và dưới biển. Chúng tôi và một số bạn thuộc Đài tiếng nói Việt Nam tiến vào miền Trung, đến đất Quảng Bình thì ngạc nhiên vô cùng bởi bà con ngư dân ở đây rất bình tĩnh. Họ có thể làm tất cả nếu có xảy ra sự lấn chiếm trên biển. Tôi về Hà Nội và viết Bám biển quê hương.

Khi tôi gặp với Hoàng Vân, chúng tôi có bàn nhau phải có chất miền Trung là đưa dân ca Quảng Bình vào bài hát. Chúng tôi đã chọn đưa hò khoan để đưa vào, nên có được sự đồng cảm lớn. Hôm nay, khi nghe chương trình trình diễn lại với không khi trẻ trung nhưng vẫn giữ được chất truyền thống, dù ca khúc đã qua nửa thế kỷ nhưng tôi nhận thấy ca khúc này vẫn đáp ứng yêu cầu chủ quyền biển đảo hiện tại của chúng ta”.

Bản thân tiến sĩ Trần Công Trục - chuyên gia biển Đông - Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ - cũng cho biết, thời điểm bài hát ra đời là khi ông còn là cậu sinh viên đang cắp sách đến giảng đường. Vốn là người Quảng Bình, nên mỗi khi nghe ca khúc “Bám biển quê hương” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và “Quảng Bình Quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân đều khiến cậu sinh viên là ông khi ấy phải chảy nước mắt. Và cũng chính những bài hát đó, tiến sĩ Trần Công Trục đã thêm yêu và bám biển quê hương

Với “Giai điệu tự hào Tháng 9 - Bám biển quê hương”, tất cả mọi người được dịp để cùng kể lại câu chuyện của những ca khúc, thời kỳ hào hùng lịch sử của các lớp cha anh đi trước đã bám biển để sống, bám biển để sinh sôi.