Giám sát của người dân với hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ đã chỉ ra rằng: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”. Thực vậy, tham nhũng vặt có thể xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều cơ quan công quyền, nơi có những cán bộ tha hóa, biến chất, không vì nhân dân phục vụ mà phục vụ lợi ích cá nhân. Để phòng ngừa sai phạm trong cán bộ chiến sĩ, Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông cũng như lãnh đạo các đơn vị thường xuyên ban hành các kế hoạch, thông báo, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy trình quy định công tác. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào giám sát, quản lý đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ được xem là bước đi tiên phong, chủ động ngăn ngừa, để cán bộ chiến sĩ không dám, không thể làm sai, vi phạm.
Trang page của CATP Hà Nội giúp người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh… trên các lĩnh vực về an toàn giao thông, an ninh trật tự

Trang page của CATP Hà Nội giúp người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh… trên các lĩnh vực về an toàn giao thông, an ninh trật tự

“Lá chắn thép” phòng ngừa tiêu cực

Nếu như trước kia những nội dung, kế hoạch về tuần tra, kiểm soát trên các tuyến cao tốc được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xem như là nội dung khó chia sẻ thì nay, tất cả những thông tin này được đăng công khai trên website của Cục Cảnh sát giao thông cũng như tuyên truyền mạnh mẽ tới tất cả người dân. Chỉ một động thái thay đổi nhỏ như trên cũng giúp cho người dân và lực lượng Cảnh sát giao thông tăng tính tương tác, nhất là thông qua công nghệ số. Điều đó không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm mà còn nâng cao tính giám sát, phòng ngừa tiêu cực từ chính lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Căn cứ vào những hình ảnh, thông tin, video mà người dân gửi đến, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể xác minh, có thêm căn cứ để xử lý “phạt nguội”. Còn đối với Cục Cảnh sát giao thông, câu chuyện tương lai này hiện đang được đơn vị gấp rút triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, ngoài việc nghiên cứu xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động, những thông tin qua mạng xã hội được người dân cung cấp, phản ánh, Cục Cảnh sát giao thông đặc biệt quan tâm. Không chỉ gửi những hình ảnh vi phạm của người tham gia giao thông, bất cứ ai cũng có thể thông tin, phản ánh hoạt động, quy trình, công tác của cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.

Đơn cử như Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội, đơn vị cũng tiếp nhận thông tin, hình ảnh, video người dân, cơ quan chức năng gửi đến phản ánh các cán bộ chiến sĩ sai phạm quy trình, quy định, chế độ công tác. Điều đáng mừng là số vụ việc như trên liên tục giảm sâu qua từng năm. Bên cạnh sự quyết liệt trong việc siết chặt tư thế, lễ tiết, tác phong, phòng ngừa sai phạm của cán bộ chiến sĩ, thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, đã tăng cường hiệu quả trong giám sát, hạn chế tiêu cực, vi phạm của cán bộ chiến sĩ.

Khi người dân giám sát chặt chẽ, hệ thống camera kiểm soát 24/24h, người dân hay kể cả người vi phạm “trực tuyến” với Cảnh sát giao thông trên nhiều phương diện thì chắc chắn cán bộ chiến sĩ không dám vi phạm. Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội khẳng định: “Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ nằm trong sự giám sát của nhiều “kênh” khác nhau, không những thực thi đúng quy định, mà còn nâng cao hơn chất lượng, lễ tiết tác phong, văn hóa ứng xử... hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên lĩnh vực tuần tra, giám sát giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông giúp nâng cao tính minh bạch, tăng hiệu quả giám sát, phòng ngừa tiêu cực và tạo thuận tiện cho chủ phương tiện, người dân. Trong tương lai gần, khi Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, những cơ sở quan trọng của hành lang pháp lý được thông suốt, hoàn thiện sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn đấu tranh, phòng chống vi phạm, tham nhũng, lãng phí”.

Trong tương lai không xa, ngoài Trung tâm chỉ huy giao thông có đầy đủ thông tin mang tính hệ thống và kết nối đồng bộ các thiết bị đầu - cuối, ô tô cảnh sát sẽ được trang bị, tích hợp hệ thống tra cứu dữ liệu kết nối với Trung tâm chỉ huy để tra cứu nhanh phương tiện, Giấy phép lái xe. Khi đó, việc xử phạt của Cảnh sát giao thông cơ bản theo chứng cứ thu được từ hệ thống quản lý phương tiện. Hệ thống này hoạt động tự động phát hiện và báo lỗi vi phạm về trung tâm chỉ huy hoặc xe cảnh sát.

Đối với các lỗi vi phạm, Cảnh sát giao thông khi đó có thể trừ điểm bằng lái được tích hợp ngay vào hệ thống. Lái xe vi phạm có thể đóng tiền nhanh nhất thông qua hệ thống ngân hàng điện tử hoặc máy thanh toán qua tài khoản mà cảnh sát mang theo. Khi có yêu cầu tiếp cận hiện trường, xử lý những sự cố, tình huống liên quan đến an toàn giao thông, hệ thống quản lý này sẽ tự động thông báo cho xe cảnh sát nào gần hiện trường nhất sẽ phải tiếp cận sớm nhất để giải quyết. Các chuyên gia giao thông nhận định, một số quốc gia đã chế tạo robot cảnh sát để làm nhiệm vụ giám sát an ninh, trật tự, giao thông thay cho con người. Rõ ràng, khi máy tính hỗ trợ, làm thay nhiệm vụ của con người, đặc biệt quá trình xử lý, nộp phạt qua máy tính, tài khoản, hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ khiến cho tình trạng tham nhũng vặt không còn “đất sống”.

Người vi phạm giao thông đến trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và xử lý đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, CATP Hà Nội làm các thủ tục giải quyết sau vi phạm

Người vi phạm giao thông đến trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và xử lý đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, CATP Hà Nội làm các thủ tục giải quyết sau vi phạm

Lan tỏa những thông điệp tích cực

Với vị trí đặc thù, tính chất giao thông đa dạng, phức tạp, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có số lượng Cảnh sát giao thông nhiều nhất cả nước. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông lúc nào cũng luôn ở trong tình trạng... thiếu quân số. Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội và TP.HCM luôn xác định, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào sức người. Tuy nhiên, những thế mạnh của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống camera dù chưa được rộng khắp song đã thu lại hiệu quả rất lớn. Kết quả trên càng thôi thúc yêu cầu các đơn vị sớm triển khai mạnh lĩnh vực này, giúp giảm bớt sức người, tăng cường hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.

Quản lý giao thông ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội - một trong những khu vực phức tạp nhất về tình hình giao thông, Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội đánh giá: “Dù rất cố gắng, song Cảnh sát giao thông cũng chỉ phát hiện ra vi phạm tại nơi, khu vực mình làm nhiệm vụ. Ở những tuyến đường có hệ thống camera giám sát, những vi phạm này sẽ bị các “mắt thần” ghi lại. Tuy nhiên, không phải bất cứ tuyến đường nào, khu vực nào hiện cũng có Cảnh sát giao thông hay được trang bị đầy đủ camera. Cùng với việc bổ sung hệ thống camera rộng khắp, những vi phạm tại các tuyến đường trên rất cần được người dân ghi lại, thông tin đến Cảnh sát giao thông để xử phạt”.

Vậy làm thế nào để người dân có thể gửi được những hình ảnh, video, thông tin về vi phạm của các phương tiện khác trên đường tới lực lượng Cảnh sát giao thông; hay Cục Cảnh sát giao thông cần lập một cổng thông tin để tập hợp hình ảnh vi phạm giao thông do người dân ghi lại, làm căn cứ “phạt nguội”? - Đây là câu hỏi và ý kiến đề xuất của không ít người dân cũng như trăn trở của những người đứng đầu lực lượng Cảnh sát giao thông.

CATP Hà Nội đã xây dựng hệ thống trang tin điện tử, mạng xã hội và người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh… trên các lĩnh vực về an toàn giao thông, an ninh trật tự nhưng tất cả vẫn còn rất căn bản. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định: “Nghị định 46 đã quy định và Cục Cảnh sát giao thông cũng luôn mong muốn nhận được những hình ảnh, video vi phạm Luật Giao thông mà người dân gửi đến để lực lượng Cảnh sát giao thông xác minh xử lý. Hiện Cục Cảnh sát giao thông đang chủ động nghiên cứu, xây dựng các phầm mềm ứng dụng để nâng cao hiệu quả việc tương tác giữa Cảnh sát giao thông với người dân, lái xe”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2018, nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã công bố số điện thoại “ĐƯỜNG DÂY NÓNG: 0995.67.67.67”. Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông đã có đường dây nóng, tuy nhiên là số điện thoại cố định nên không thể tiếp nhận được các thông tin phản ánh của người dân thông qua nhắn tin. Việc công bố đường dây nóng bằng số điện thoại di động đã giúp cho công tác tiếp nhận thông tin được nhanh chóng, hiệu quả. Nếu hệ thống tương tác trực tuyến gửi hình ảnh, video vi phạm Luật Giao thông của Cục Cảnh sát giao thông cũng như lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc được triển khai, chắc chắn hiệu quả xử lý cũng như ý thức của người dân sẽ được nâng cao.

Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông hay các Phòng Cảnh sát giao thông Công an địa phương khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh người dân cung cấp đều nhanh chóng xác minh, xử lý vi “phạm nguội”. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020, có hàng chục trường hợp lái xe đi ngược chiều trên cao tốc đã bị đơn vị xử phạt “nguội”. Những hình ảnh về phương tiện vi phạm trên đều được người dân, cơ quan chức năng phát hiện, ghi lại chuyển đến Cảnh sát giao thông. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định, những thông tin, hình ảnh, video này rõ ràng sẽ có hiệu ứng tích cực, chặt chẽ, tính giám sát cao hơn rất nhiều so với hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng hay nhắn tin bằng điện thoại như hiện nay.

Đây sẽ là một trong những căn cứ hết sức quan trọng, qua đó Cảnh sát giao thông sẽ xác minh, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường tính giám sát, quản lý, điều hành giao thông lên một tầm cao mới. Cục Cảnh sát giao thông cũng đang nghiên cứu triển khai cách thức giám sát của người dân với lực lượng chức năng sao cho “vừa đảm bảo an ninh, an toàn và phù hợp với văn hóa ứng xử”.

“Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ nằm trong sự giám sát của nhiều “kênh” khác nhau, không những thực thi đúng quy định, mà còn nâng cao hơn chất lượng, lễ tiết tác phong, văn hóa ứng xử... hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên lĩnh vực tuần tra, giám sát giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông giúp nâng cao tính minh bạch, tăng hiệu quả giám sát, phòng ngừa tiêu cực và tạo thuận tiện cho chủ phương tiện, người dân. Trong tương lai gần, khi Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, những cơ sở quan trọng của hành lang pháp lý được thông suốt, hoàn thiện sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn đấu tranh, phòng chống vi phạm, tham nhũng, lãng phí”.

Thượng tá Nguyễn Chí Công (Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)

(Còn tiếp)