Giảm nhanh cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khu vực bụng trên rốn là nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng. Khi một bộ phận bị tổn thương cũng có thể gây nên tình trạng đau bụng. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này.

Giảm nhanh đau bụng tại nhà

Chườm nóng. Khi bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm nóng ngay tại nhà. Nhiệt từ túi chườm hoặc bình nóng giúp làm dịu cơ trơn, giãn mao mạch từ đó giảm đau hiệu quả. Lưu ý, khi chườm, bạn nên nằm và thả lỏng cơ thể sẽ giúp cơn đau giảm nhanh hơn.

Massage nhẹ nhàng. Đặt tay lên vùng bụng phía trên, xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện liên tục 100-200 vòng bạn sẽ thấy cơn đau giảm đi rõ rệt. Để tăng hiệu quả của phương pháp này, bạn có thể kết hợp sử dụng với dầu gió để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn và giảm đau bụng.

Vùng trên rốn là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng như dạ dày, đại tràng ngang, túi mật, gan và tuyến tụy

Vùng trên rốn là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng như dạ dày, đại tràng ngang, túi mật, gan và tuyến tụy

Giấm táo hoặc rượu táo. Để hỗ trợ cải thiện tình trạng đau bụng trên rốn và ổn định nồng độ pH trong dạ dày, bạn có thể sử dụng giấm táo hoặc rượu táo. Khi xuất hiện cơn đau, trộn 1 muỗng giấm táo nguyên chất với khoảng 200ml nước ấm, thêm 1 thìa mật ong, khuấy đều rồi uống. Sử dụng 2 lần/ngày cho đến khi cơn đau biến mất.

Gừng. Với đặc tính kháng viêm tự nhiên, gừng thường được sử dụng để giảm nhẹ các cơn đau bụng trên rốn, đầy bụng, khó tiêu. Gừng cắt thành từng lát mỏng rồi pha với nước nóng, thêm một chút mật ong và ngâm trong 10 phút rồi uống. Mỗi ngày uống một ly trà gừng nóng sẽ giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, phòng ngừa được nguy cơ rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị.

Nghệ. Thành phần curcumin trong nghệ có công dụng hỗ trợ làm giảm các cơn đau bụng do dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng tăng tiết dịch acid, duy trì độ pH trong dạ giày giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.

Cam thảo. Cam thảo có tác dụng tạo ra lớp nhầy hỗ trợ bảo vệ bề mặt niêm mạc ruột/đại tràng khỏi sự kích thích của các chất có trong dịch vị dạ dày. Ngoài ra, chúng còn giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, tránh được tính trạng rối loạn tiêu hóa như đau bụng trên rốn, đầy bụng, khó tiêu.

Bổ sung lợi khuẩn mỗi ngày. Khi bị rối loạn tiêu hóa do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, việc bổ sung lợi khuẩn, đặc biệt là bào tử lợi khuẩn Bacillus có tác dụng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng…

Những dấu hiệu đau bụng cần đến bệnh viện

Đau dạ dày sau khi ăn. Nếu đau bụng dữ dội sau khi ăn nhiều chất béo, bạn có thể bị bệnh liên quan túi mật. Những cơn đau trở nên nặng hơn sau khi ăn, kéo dài khoảng 30 đến 60 phút và có thể tái phát, trở nên thường xuyên hơn và nặng hơn theo thời gian.

Đau bụng trên giữa lồng ngực. Nếu bạn phát triển một cơn đau nhức hoặc áp lực ở vùng bụng phía trên ngay dưới xương sườn, có thể bạn có vấn đề liên quan đến tim. Nếu cơn đau kéo dài hoặc có các triệu chứng khác như khó thở, chứng tỏ bạn có vấn đề về tim. Nhiều người cho rằng những triệu chứng trên là do chứng ợ nóng hay khó tiêu.

Đau bụng trên kèm buồn nôn và ợ hơi. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, đau bụng trên kèm theo buồn nôn, ợ nóng và ợ hơi có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.

Đau bụng dưới bên phải hoặc trái ở phụ nữ. Cơn đau bụng khởi phát đột ngột ở vùng bụng dưới bên phải hoặc bên trái có thể bạn bị u nang buồng trứng.

Đau bụng ở phía dưới bên trái. Đau bụng ở vùng phía dưới bên trái của bụng có thể biểu hiện viêm túi thừa, túi nhỏ ở đại tràng.

Phòng các bệnh đường tiêu hóa

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa. Chế độ ăn uống có lợi nên chứa nhiều chất xơ, đồng thời hạn chế chất béo và gia vị. Chất xơ sẽ làm tăng khối lượng và giúp phân di chuyển dễ dàng hơn trong ruột, từ đó góp phần ngăn ngừa táo bón. Chất xơ cũng có khả năng duy trì sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, có lợi cho hệ tiêu hóa. Một số thói quen ăn uống tốt được khuyến nghị là: Ăn chậm, nhai kỹ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, nhất là giảm thiểu áp lực lên dạ dày. Đặc biệt, nên tránh nằm ngay sau khi ăn vì sẽ làm tăng nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nên ăn tối ít nhất 2-3 tiếng trước khi đi ngủ.

Tình trạng nhiễm khuẩn H.P làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng hoặc ung thư dạ dày. Vì vậy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể phòng các bệnh lý đường tiêu hóa. Tập thể dục có thể duy trì sức khỏe đường tiêu hóa và ngăn ngừa các bệnh lý xảy ra.