Ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm:

Giảm dư thừa nguồn tuyển dụng giáo viên

ANTĐ - Thông tin từ ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, quyết định ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT mới đây là nhằm góp phần giảm số lượng dư thừa nguồn tuyển dụng đối với giáo viên cấp THPT.

Giảm dư thừa nguồn tuyển dụng giáo viên ảnh 1
Không tốt nghiệp ngành sư phạm sẽ không được nhận làm giáo viên THPT


- Ngành sư phạm luôn khuyến khích mọi người theo đuổi ngành này, vì sao Bộ GD-ĐT lại có quyết định ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người không tốt nghiệp đại học sư phạm muốn trở thành giáo viên? 

- Trong những năm vừa qua, đứng trước tình trạng tăng nhanh số lượng học sinh phổ thông nói chung, học sinh THPT nói riêng, để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên THPT cho các địa phương, đối chiếu với qui định về tiêu chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng và cho phép một số cơ sở đào tạo giáo viên được tổ chức bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT.

Tuy nhiên, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ GD-ĐT đã và đang tiến hành nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó chất lượng đội ngũ nhà giáo được đặc biệt quan tâm. Việc tạm dừng bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT là một bước điều chỉnh, nâng cao hiệu quả xã hội của hoạt động đào tạo giáo viên. 

- Việc tạm dừng cấp chứng chỉ có gây thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương không, thưa ông? 

- Hiện nay, số lượng học sinh THPT đã tương đối ổn định. Tính chung trong phạm vi cả nước, việc đào tạo sinh viên ngành sư phạm đã vượt quá nhu cầu tuyển dụng giáo viên THPT của các địa phương, trong đó chưa kể đến số lượng người có bằng tốt nghiệp đại học và có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, cùng với việc điều tiết giảm chỉ tiêu đào tạo sinh viên ngành sư phạm hệ chính qui, việc tạm dừng bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm còn góp phần giảm số lượng dư thừa nguồn tuyển dụng đối với giáo viên cấp THPT; góp phần thực hiện việc gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

- Việc ngừng cấp chứng chỉ này có thể hiểu nếu sinh viên không tốt nghiệp ngành sư phạm sẽ không thể trở thành giáo viên THPT?

- Hiện nay ngoài mô hình đào tạo giáo viên truyền thống, ở nước ta đã có trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai mô hình đào tạo giáo viên theo 2 giai đoạn nối tiếp: đào tạo về khoa học cơ bản trước, sau đó đào tạo về kỹ năng sư phạm. Theo phản ánh của nhiều địa phương thì học theo mô hình này, nhiều sinh viên ra trường có năng lực giáo dục tốt hơn so với các cử nhân có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Bộ GD-ĐT đang xem xét việc áp dụng mô hình này đối với các sinh viên đã tốt nghiệp đại học về khoa học cơ bản thay cho việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, mô hình này chỉ triển khai khi có nhu cầu.

Giảm dư thừa nguồn tuyển dụng giáo viên ảnh 2

Theo Bộ GD-ĐT hiện tại ở cấp THCS, Bộ GD-ĐT chưa ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên chưa có thông tin liên quan tới việc có cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với những ai muốn trở thành giáo viên THCS. Ngoài ra, quyết định 1090/QĐ-BGDĐT tạm dừng bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt học nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT không liên quan đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, các giảng viên cao đẳng, đại học.